Laurence được France Telecom tuyển dụng làm nhân viên công chức từ năm 1993, trước khi công ty này được Orange tiếp quản, Oddity Central đưa tin.
Do thông cảm vì Laurence bị liệt nửa người (liệt một bên mặt và tay chân từ khi mới sinh), cũng như mắc chứng động kinh nên sếp đầu tiên của cô đã sắp xếp cho Laurence vị trí phù hợp với tình trạng bệnh tật. Cô gái được làm thư ký kiêm nhân viên phòng nhân sự cho đến năm 2002 thì xin được chuyển công tác đến một vùng khác.
Yêu cầu của cô được chấp thuận nhưng nơi làm việc mới không có công việc nào phù hợp với cô. Một báo cáo về y học nghề nghiệp đã xác nhận rằng vị trí công việc mới hoàn toàn không phù hợp với Laurence. Mặc dù vậy, Orange được cho là không thực hiện bất kỳ điều chỉnh nào giúp Laurence và phía công ty chỉ muốn trả lương cho cô đầy đủ mà không muốn giao cho cô bất cứ một công việc gì.
Bất chấp việc bị Orange phớt lờ, người phụ nữ khuyết tật vẫn tìm mọi cách để báo cáo tình hình lên chính phủ và các cơ quan cấp cao về chống phân biệt đối xử.
Năm 2015, một hòa giải viên do Orange chỉ định được giao nhiệm vụ giải quyết tình hình nhưng mọi việc vẫn không được cải thiện chút nào vì công ty tiếp tục trả lương để Laurence "ngồi không". Các luật sư của người phụ nữ khuyết tật cho rằng "gã viễn thông" khổng lồ đang cố ép Laurence nghỉ việc.
"Họ chỉ thích trả lương cho cô ấy hơn là bắt cô ấy làm việc", Luật sư của Laurence cho biết đồng thời nói thêm rằng người phụ nữ này đã đệ đơn kiện công ty và 4 người quản lý vì "quấy rối và phân biệt đối xử về mặt đạo đức tại nơi làm việc liên quan đến tình trạng sức khỏe của cô".
Luật sư của Laurence cho biết: "Có việc làm đối với người khuyết tật đồng nghĩa họ vẫn có một vị trí trong xã hội, được công nhận và có các mối quan hệ xã hội". Nhưng trong trường hợp này, Laurence đã bị phủ nhận tất cả bằng cách khiến cô không được làm gì suốt 20 năm.
Tờ La Depeche của Pháp đã liên hệ với Orange về trường hợp của Laurence và phía công ty cho biết họ từng làm mọi cách để đảm bảo nữ nhân viên của mình được làm việc trong điều kiện tốt nhất có thể.
Công ty cũng tuyên bố đã tính đến "hoàn cảnh riêng" của người phụ nữ và liên tục trả đủ lương cho cô cùng một số khoản hỗ trợ không hoàn lại. Việc sắp xếp cho cô quay lại làm ở những vị trí quen thuộc cũng được họ lên kế hoạch nhưng không thể thực hiện vì nữ nhân viên thường xuyên nghỉ ốm.
Trước đó, năm 2020, một người đàn ông Pháp cũng đã kiện chủ của mình vì công việc quá nhàm chán khiến ông bị mắc chứng trầm cảm.
QT (SHTT)