The Sun mới đây đã đưa tin về một nhân vật kỳ lạ. Đó là một người phụ nữ tên Kate Hashimoto, với điểm đặc biệt là một lối sống... hà tiện đến vô cực.
Cụ thể, Kate Hashimoto là nhân vật trong chương trình truyền hình thực tế Extreme Cheapskates (tạm dịch: Đỉnh Cao Hà Tiện) của đài TLC (Mỹ). Chương trình Hashimoto tham gia vốn đã lên sóng từ năm 2012, nhưng gần đây bỗng... trồi lên và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Tất cả đều ngạc nhiên về cái cách Hashimoto đã tồn tại giữa thành phố New York hoa lệ, với mức chi tiêu chỉ... 200 đô mỗi tháng (tương đương 4,6 triệu đồng). Thậm chí cô còn mua được nhà, ở thành phố nổi tiếng đắt đỏ nhất hành tinh.
Theo thống kê, 2000 - 2500 đô là mức chi tiêu cơ bản của 1 người tại New York, và đã phải là rất tằn tiện với việc phải ở chung nhà và chi tiêu thật tiết kiệm. Vậy nên, con số 200 đô của Hashimoto - nhân viên của một công ty kiểm toán hàng đầu thế giới với mức thu nhập trên 100.000 USD mỗi năm - thực sự khiến tất cả phải giật mình.
Đỉnh cao của hà tiện
"Tôi sống ở New York được 3 năm. Dù là thành phố đắt đỏ bậc nhất, tôi vẫn tìm ra cách để sinh tồn ở đó" - trích lời Hashimoto trong chương trình phát sóng.
"Tôi hạn chế chi tiền hết mức có thể. Nếu phải trả tiền, thì cũng là càng ít càng tốt."
Hashimoto cho biết, cô chưa từng chi tiền cho bất kỳ món nội thất nào. Thay vào đó, cô sẽ đi lục ở các bãi rác, thu nhặt những món đồ vứt đi bên lề đường, rồi trang hoàng căn hộ của mình với chúng.
"Tôi trang hoàng chỗ ở bằng những món nội thất bỏ đi trên đường phố trước khi các công ty rác thải đến thu gom. Nhờ vậy mà tiết kiệm được hàng ngàn đô."
Với Hashimoto, cô sẽ không bỏ ra hàng trăm đô để mua một chiếc giường thực sự. Thay vào đó, cô gom những tấm thảm tập yoga cũ tìm được ở bãi rác hoặc trên phố, xếp lại với nhau thành nệm. Còn bàn ăn trong ngôi nhà được tận dụng từ những cuốn tạp chí cũ xếp chồng lên.
Người phụ nữ có bằng kiểm toán cao cấp còn có một chiếc ghế đi-văng trong phòng khách, được cô tạo ra từ một chiếc khung giường và một tấm nệm nhỏ nhặt được ngoài bãi rác trường học.
Nhưng nội thất không phải là thứ duy nhất giúp Hashimoto tiết kiệm được tiền. Suốt 8 năm trời, Hashimoto không mua bất kỳ quần áo mới nào. Thậm chí đồ lót, cô cũng chưa mua mới đến một chiếc kể từ năm 1998, và cũng nói không với vật dụng vệ sinh cá nhân.
"Tôi không thích trả tiền cho chúng" - Hashimoto nhấn mạnh. "Tôi đã đăng ký vào rất nhiều trang web có tặng quà miễn phí rồi.'
Đó là những website có thông tin về những sự kiện quảng bá sản phẩm. Hashimoto nắm thông tin, tới đó và gom về một lô hàng miễn phí - gồm bàn chải, kem đánh răng, xịt khử mùi, dao cạo...
"Tôi cực mê mấy sản phẩm dùng thử miễn phí. Có lẽ tôi là dạng đỉnh cao của dùng thử."
Điều đáng nói là Hashimoto thậm chí còn không mua giấy vệ sinh. Dành cho những ai chưa biết, Mỹ nổi tiếng là quốc gia khá bảo thủ trong việc dùng giấy vệ sinh, khi thậm chí cả những khách sạn 5 sao cũng chưa chắc trang bị vòi xịt. Vậy mà ngần ấy năm, Hashimoto nói không với giấy.
"Tôi không nghĩ mình nên chi tiền vào những thứ dùng xong chỉ để vứt đi."
Không mua giấy, Hashimoto tận dụng lại những tờ giấy vệ sinh thu được trong toilet công cộng để lau tay. Khi đi tắm, cô chỉ sử dụng xà phòng và nước từ một chiếc bình xịt.
Còn về nhu cầu giặt giũ, Hashimoto cho biết cô không thể chịu được việc phải trả đến 3 đô cho 1 lần giặt giũ ngoài tiệm. Thay vào đó, cô sẽ kết hợp giặt đồ với lúc đi tắm (lúc này thì dùng vòi nước). Chỉ cần dùng xà phòng thoa lên người, rồi tận dụng bọt để giặt đồ là được.
"Tôi không đem đồ đi giặt, vì tốn khá nhiều tiền. Nên mỗi khi quần áo bẩn, tôi sẽ cố làm sạch chúng lúc đi tắm."
"Lần gần nhất tôi mang đồ đi giặt có lẽ là từ 3 năm trước."
Máy vắt và sấy quần áo với Hashimoto cũng là đồ xa xỉ. Cô quyết định vắt và phơi đồ bằng tay mà thôi. Cũng nhờ phương pháp "tiết kiệm" như vậy, cô tiết kiệm được 6 đô tiền giặt giũ mỗi tháng.
Tránh chi tiền ăn hết mức có thể
Một phương pháp thể hiện sự hà tiện đỉnh cao của Hashimoto nằm ở thói quen ăn uống. Cô hạn chế chi tiêu ở khoản này hết mức có thể.
"Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi nhận ra mình tiêu khoảng 20 - 25 đô (hơn 500 ngàn đồng) vào thực phẩm mỗi tuần. Nghĩa là mỗi tháng sẽ mất khoảng 100 đô."
"Lúc đó tôi kiểu 'Làm sao mình có thể chi quá nhiều tiền chỉ để ăn như thế được."
Vậy là cô quyết định thay đổi. Sau mỗi ca làm buổi đêm, Hashimoto lượn lờ ở quanh các thùng rác ở những nhà hàng và siêu thị lớn trong vùng. "Các cửa hàng như vậy thường vứt bỏ rất nhiều thực phẩm chất lượng cao, thậm chí có cả thực phẩm hữu cơ và đồ ăn nấu nướng khá kỳ công."
Hashimoto cho biết, cô chỉ lấy những món ăn trông còn "sạch" ra khỏi thùng rác. Nghĩa là chúng phải được gói trong túi, và không bị vấy bẩn bởi rác thải xung quanh.
"Tôi thậm chí còn được nếm những món ăn cực kỳ sang trọng mà chẳng phải trả đồng nào," - cô tự hào khoe.
"Nếu bạn bè rủ đi ăn nhà hàng, tôi sẽ cố gắng từ chối. Tôi chỉ đi nếu... được bao thôi."
Mọi chuyện đều có nguyên nhân
Hashimoto trải qua một tuổi thơ không mấy êm đẹp. Cô có một người mẹ khá "ác khẩu", thường xuyên chê bai ngoại hình của cô, dẫn đến những thương tổn nặng nề trong tâm lý ngay từ khi còn bé.
Cô học đại học rồi tốt nghiệp, với suy nghĩ rằng cuộc đời này sẽ chỉ toàn màu hồng, học xong là xin được việc ngay. Nhưng bi kịch, cô tốt nghiệp vào đúng thời kỳ khủng hoảng kinh tế, nên dù có xin được việc cũng bị sa thải sau đó ít lâu.
"Thì ra không có công việc nào là mãi mãi. Vậy nên tôi quyết định phải sống như thể mình bị sa thải ngay ngày mai."
Đó là lý do vì sao Hashimoto lựa chọn một lối sống tiết kiệm đến... hà tiện. Cô giảm toàn bộ các khoản chi tiêu được cho là không cần thiết, đồng thời đặt mục tiêu mua được căn nhà cho riêng mình.
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)