Theo Al Jazeera, cuộc biểu tình ngày 10.2 do các nhà hoạt động tổ chức sau khi truyền thông Philippines đăng tải các hình ảnh cho thấy Trung Quốc đã đi đến giai đoạn hoàn tất các cơ sở phục vụ hải quân và không quân trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Những người biểu tình tập trung trước tòa nhà đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Manila bày tỏ lo ngại về hành động của Trung Quốc. Các nhà hoạt động cho rằng nếu Philippines hợp tác với Trung Quốc có thể sẽ "khuyến khích" Bắc Kinh tiếp tục các hành động phi pháp trên Biển Đông.
Người biểu tình còn chỉ trích Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã im lặng và không kiên quyết đấu tranh về vấn đề Biển Đông. Thượng nghị sĩ đối lập Paolo Aquino cũng kêu gọi chính quyền Tổng thống Duterte nói rõ với người dân về những gì đã nhượng bộ cho Trung Quốc.
Trong khi đó, phát biểu trước báo giới ngày 9.2, ông Duterte cho biết không có ý định tham gia vào một cuộc chiến liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển, tuy nhiên ông khẳng định sẽ ra lệnh cho hải quân nổ súng nếu bị nước nào khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Ông nói: "Chúng ta không thể đấu với người Mỹ, cũng như người Trung Quốc. Tôi vẫn sẽ im lặng nhường nhịn. Nhưng khi các người lấy bất kỳ thứ gì đó ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, tôi sẽ ra lệnh cho hải quân khai hỏa".
Hồi đầu tuần, văn phòng Tổng thống Duterte cho biết các quan chức Philippines đều biết về hoạt động của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp và Manila tin rằng Bắc Kinh sẽ không cải tạo đảo nhân tạo mới.
Trên thực tế, bất chấp sự phản đối và quan ngại của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang nhiên bồi đắp và xây dựng cơ sở quân sự trái phép ở Biển Đông, trong đó có 7 đảo nhân tạo nước này chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Theo Ngọc Mai (Thanh Niên Online)