Vào những ngày giữa tháng hai, không khí chào mừng xuân mới Mậu Tuất đang lan toả trên khắp cả nước.
Không chỉ người Việt Nam háo hức chờ đón năm mới âm lịch, nhiều người nước ngoài sống tại Việt Nam cũng đang cảm nhận thấy rõ không khí đón xuân tươi vui này.
Thích không khí Tết
“Tôi thấy những người đi xe máy chở cây đào, cây quất khắp đường phố. Cảnh tượng đó thật tuyệt!”, Beth Lopez, cô gái người Mỹ 28 tuổi đang sống tại Hà Nội, nói với báo Dân Việt.
Beth, người vừa đến Việt Nam hơn một tháng để làm việc trong lĩnh vực dược phẩm, đã đến một chợ hoa Tết để tận hưởng không khí.
“Tôi đã mua cây đào nhỏ để trong bếp”, Beth hào hứng kể. “Tôi rất thích nó, nó rất đẹp”.
Không chỉ Beth, nhiều người nước ngoài khác cũng rất háo hức khi Tết đến gần. Shin Jae Wook, 26 tuổi, thanh niên Hàn Quốc sống ở Hà Nội gần ba năm, cho biết anh rất thích sự yên tĩnh của Hà Nội mỗi dịp nghỉ Tết.
“Hà Nội yên tĩnh hơn khi đến Tết, không có nhiều người hay xe máy, ô tô trên đường phố”, Shin, sinh viên khoa Việt Nam học tại trường Đại học Hà Nội, cho biết.
Tuy Hàn Quốc cũng nghỉ Tết âm lịch như Việt Nam nhưng cuộc sống hầu như vẫn diễn ra như bình thường trong dịp này.
“Ở Hàn Quốc, họ không nghỉ hoàn toàn mà vẫn có nhân viên trực, kể cả thành phố hay nông thôn. Vì thế, cuộc sống vẫn như bình thường, không yên tĩnh, không có khoảng lặng”, Shin kể.
Khi được hỏi kỉ niệm nào Shin nhớ nhất trong hai dịp Tết ở Việt Nam, anh nhanh chóng trả lời: “Tết năm 2016”.
Năm đó, Shin đi du lịch đến Bắc Kạn - quê hương của một người bạn Việt Nam của anh. Trong chuyến đi này, Shin được thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam, tham quan ồ Ba Bể và đi chúc Tết.
“Đó là chuyến đi rất vui”, Shin nhận xét. “Vì về quê nên không gian rất yên tĩnh. Người Việt Nam ở đó cũng rất thân thiện với người nước ngoài như tôi nên tôi rất thích”.
Tuy nhiên, Shin nói thêm rằng Tết có một chút bất tiện với anh.
“Trong dịp Tết, tất cả cửa hàng hay dịch vụ ở Hà Nội đều đóng cửa. Ví dụ trong nhà có đồ vật gì bị hỏng cần sửa gấp, phải đợi hết Tết mới sửa được”, Shin cho biết.
“Ở Hàn Quốc, trong dịp Tết, luôn có nhân viên trực theo ca. Tất cả mọi thứ như cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, sửa điều hòa, vẫn hoạt động bình thường. Vì thế tôi mong rằng các dịch vụ ở Việt Nam sẽ hoạt động nhiều hơn trong dịp Tết”.
nguoi nuoc ngoai het loi khen tet viet nam "vui, tuyet voi" hinh anh 3
Với Christopher Bellerose, một giáo viên tiếng Anh đang sống và làm việc tại Đà Nẵng, Tết cũng là một dịp nghỉ lễ “hạnh phúc”.
“Tôi thích không khí ăn mừng Tết. Mọi người đều rất vui vẻ. Gia đình đoàn tụ với nhau. Niềm hạnh phúc lan tỏa trong bầu không khí”, người đàn ông quốc tịch Anh nói.
Chris, 37 tuổi, cho biết mình từng đón Tết một lần ở Hải Phòng và một lần ở Hà Nội.
“Tết đầu tiên ở Hải Phòng rất tuyệt. Lúc đó tôi mới đến Việt Nam nên không biết gì về Tết hay văn hóa Việt Nam”, anh kể. “Khi đến thăm một gia đình người Việt trong dịp Tết, tôi được thử nhiều món ăn khác nhau, học hỏi các truyền thống đón Tết và sau đó xem pháo hoa. Tôi rất thích chuyến đi đó”.
Còn trong dịp Tết ở Hà Nội, Chris bất ngờ với sự vắng vẻ của thủ đô. “Mọi thứ thật yên tĩnh vì mọi người đều ở trong nhà. Mọi người cứ như biến mất vậy”, anh chia sẻ.
Đừng bỏ Tết cổ truyền
Tết này, Chris dự định ăn Tết cùng một gia đình người Việt ở Đà Nẵng.
“Gia đình người Việt mời tôi đến ăn trưa hoặc ăn tối. Tôi rất mong chờ ngày hôm đó. Chúng tôi sẽ uống bia và ăn nhiều đồ ăn”, anh nói. “Ngoài ra, tôi có thể đi đảo Cù Lao Chàm, hòn đảo rất gần Hội An”.
Còn với Shin, chàng sinh viên người Hàn Quốc, Tết này sẽ là một dịp đặc biệt.
“Gia đình tôi, mẹ, em trai, ông bà, sẽ đến Việt Nam chơi. Tôi định đưa mọi người đi chơi quanh Hà Nội và vịnh Hạ Long”, Shin chia sẻ.
Will Phap, một chàng trai người Pháp làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Hà Nội, cũng có dự định riêng cho Tết năm nay.
“Tôi sẽ quay video cảnh đường phố Hà Nội trong dịp Tết”, Will, người có sở thích quay phim, cho biết. “Tất cả mọi người tôi quen đều nói rằng sẽ không có ai trên phố. Tôi muốn nhìn thấy cảnh đó”.
“Có lẽ tôi sẽ quay video trước và sau Tết, bạn biết đó. Sau đó tôi sẽ đăng lên Youtube”, chàng trai 27 tuổi nói.
Tuy đã sống ở Hà Nội hai năm, Will chưa bao giờ đón Tết ở Việt Nam. Anh đã đi du lịch nước ngoài trong các dịp nghỉ Tết trước. Nhưng năm nay, Will quyết định ở lại Hà Nội để biết “Tết thực sự” là gì.
“Một gia đình ở Hà Nội mời tôi đến nhà để có cơ hội tận hưởng Tết thực sự và tôi trả lời họ Chắc chắn rồi, tôi rất muốn đến”, Will kể.
Mặc dù chưa được đón Tết ở Việt Nam, Will vẫn nghĩ đây là thuyền thống đẹp khi mọi người được quây quần bên gia đình, giống như Giáng sinh của người phương Tây.
Will nói Giáng Sinh ở Pháp và Tết ở Việt Nam khá giống nhau. Điều khác biệt nhất, theo Will, là đồ ăn.
“Dường như ở Việt Nam, các bạn có rất nhiều món ăn nổi tiếng trong ngày Tết và năm nào cũng giống nhau”, Will nói. “Ở Pháp thì khác, chúng tôi nấu rất nhiều kiểu thức ăn mỗi năm”.
“Ở Mỹ, trong Giáng sinh, họ cũng có những món ăn giống nhau. Nhưng người Pháp nấu nhiều món ăn chất lượng cao cho Giáng sinh. Chúng không bao giờ là một”.
Khi được hỏi liệu người Việt Nam có nên bỏ Tết cổ truyền, Will trả lời thẳng thắn: “Các bạn nên giữ Tết”.
Anh nói thêm về đề xuất gộp Tết Nguyên đán và Tết Tây: “Không thể thay đổi như vậy. Có thể một só người cảm thấy ổn nhưng không phải ai cũng đồng tình. Điều này có thể gây chia rẽ. Tôi nghĩ tốt nhất các bạn nên giữ Tết cổ truyền”.
Shin – sinh viên người Hàn Quốc – thì có quan điểm đơn giản hơn về đề xuất gây tranh cãi này. “Tôi thấy gộp hai Tết cũng không sao, miễn là vẫn được nghỉ dài ngày”, Shin nói.
Cô gái người Mỹ Beth Lopez thì cho rằng: “Tôi nghĩ các bạn nên đón cả hai Tết. Đó là truyền thống tốt đẹp, giúp các bạn có thời gian tụ họp bên gia đình. Không nên bỏ Tết Nguyên đán”.
Đồng tình với Beth, Chris nhận định đề xuất bỏ Tết Nguyên đán là một ý tưởng “ngu ngốc”.
“Đó là một đề xuất ngu ngốc. Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng cần gìn giữ truyền thống của họ để giữ được bản sắc và văn hóa”, Chris nói. “Gìn giữ truyền thống là một việc làm quan trọng trong bất kỳ nền văn hóa nào”.
Theo Trà My (Dân Việt)