"Nước Mỹ chỉ thích khi tôi phục vụ người khác chứ không thích khi tôi yêu cầu được làm lãnh đạo" - bà Hillary Clinton bày tỏ
Một trong những yếu tố đó là nước Mỹ chưa sẵn sàng chấp nhận một phụ nữ làm tổng thống. Nói cách khác, xã hội Mỹ vẫn chưa thoát khỏi thành kiến trọng nam khinh nữ khi chọn người lãnh đạo cao nhất nước mặc dù Mỹ được xem là một trong những cái nôi của phong trào nữ quyền quốc tế.
Càng thành đạt càng bị ghét bỏ
Trong quyển hồi ký "What happened", bà Clinton tin rằng nếu cử tri không ngại chọn một người Mỹ gốc Phi làm tổng thống (ý nói ông Barack Obama) thì họ vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận một vị tổng tư lệnh thuộc phái yếu cho dù ngang tài ngang sức với phái mạnh. Điều này đã được chứng minh trong nhiều công trình nghiên cứu xã hội chứ không phải do bà tưởng tượng ra.
Kỳ thị giới tính là gì? Trong hồi ký, bà Clinton hiểu như thế này: "Xã hội vẽ một cái hộp nhốt phụ nữ trong đó rồi dặn dò: Hãy ở trong này. Đừng than vãn gì hết vì những cô gái ngoan không làm vậy. Đừng bao giờ cố làm chuyện gì mà phụ nữ không nên làm. Đừng ăn mặc như thế này, đừng đến chỗ đó, đừng nghĩ đến chuyện kia, đừng kiếm được nhiều tiền quá. Chúng tôi không thể giải thích tại sao nhưng đừng có hỏi nữa".
Cổ động viên của ông Donald Trump xem bà Hillary Clinton là Cersei Lannister (phải) trong đời thường Ảnh: Mediaite |
Bà Clinton từng có một cuộc trò chuyện thú vị với Sheryl Sandberg - giám đốc điều hành mạng xã hội lừng danh Facebook, tác giả quyển "Lean in: Women, work, and the will to lead" - về vấn đề kỳ thị giới tính, đặc biệt đối với phụ nữ. Nhắc lại chuyện này trong "What happened", bà hoàn toàn đồng ý với Sandburg rằng các nghiên cứu cho thấy "nếu người đàn ông càng thành đạt càng được mọi người ưa thích bao nhiêu thì người phụ nữ càng thành đạt càng bị ghét bỏ bấy nhiêu".
Lấy ví dụ bản thân, bà Clinton kể: "Khi còn làm ngoại trưởng, tôi được 69% những người được hỏi đánh giá tốt vì tôi phục vụ đất nước, phục vụ tổng thống của chúng ta. Tôi rất tự hào về điều đó. Nhưng khi tôi bước vào đấu trường và tuyên bố: "Tôi cũng muốn làm tổng thống" thì lập tức có một hiệu ứng khác kịch tính hơn".
Tuy vậy, sau khi trình bày chủ nghĩa kỳ thị giới tính đã ảnh hưởng xấu như thế nào đến cuộc sống của mình, bà Clinton đã trấn an thế hệ nữ chính khách tương lai. Bà tin rằng sẽ có một ngày mai tươi sáng với một phụ nữ ngồi đĩnh đạc trong phòng Bầu Dục.
Giống như… phù thủy
Bà Clinton dành cả một chương trong "What happened" để nói về nỗi khổ làm nữ chính khách. Bà mô tả những người ủng hộ ông Donald Trump căm ghét bà như trong phim truyền hình "Trò chơi vương quyền" (mùa thứ 5) người ta căm ghét thậm tệ nhân vật Cersei Lannister.
"Làm nữ chính khách thật không dễ nhưng tôi có thể nói rằng mức độ căm ghét mà tôi đã đạt tới mức độ chưa từng thấy. Các đám đông dự mít tinh ủng hộ ông Trump kêu gào bỏ tù tôi không biết bao nhiêu lần. Họ gào to "tội đồ, tội đồ", y như những người cuồng đạo trong phim "Trò chơi vương quyền" gào to "nhục chưa, nhục chưa" khi Cersei Lannister đi về phía Red Keep". Đó là cảnh nhân vật Cersei Lannister buộc phải diễu hành trần truồng trên đường phố King’s Landing sau khi thú nhận phạm tội loạn luân. Đám đông chửi rủa và nhổ nước miếng trên người nàng.
Sự so sánh nêu trên hơi quá nhưng những gì người ta từng đối xử với ứng cử viên Hillary Clinton là có thật. Nó giống như một cuộc săn lùng nữ phù thủy hồi thời Trung cổ. Không ít cổ động viên của ông Donald Trump mặc áo thun in dòng chữ "Đồ quỷ cái" và gào to "Bỏ tù Hillary đi!". Thậm chí, một cố vấn của ông Donald Trump (nghị sĩ Al Baldasaro, đại diện bang New Hampshire) còn đòi "xử bắn Hillary vì tội phản quốc". Có một nhà báo tên Alex Jones mô tả bà Clinton là "ác quỷ"…
Báo chí theo khuynh hướng bảo thủ cũng không ngần ngại so sánh bà Clinton với nhân vật Cersei Lannister - được cho là một người đàn bà độc ác, khát khao quyền lực. Chẳng hạn, tờ Daily Caller viết: "Hillary tự hóa thân thành Cersei Lannister, một kẻ giết người hàng loạt, một tội phạm loạn luân". Trên tờ Reason, nhà báo Robby Soave nói bà Clinton giống y như Cersei Lannister vì "bà ta không đại diện cho triết lý hay hệ tư tưởng nào ngoài tham vọng cá nhân".
Nói chung, kể cả sau khi cựu ngoại trưởng Mỹ thất cử, vẫn có một số người chê trách bà "lạnh lùng, khao khát quyền lực". Bà Clinton hồi tưởng: "Khi rời khỏi Bộ Ngoại giao, tôi là một viên chức nhà nước được mến mộ nhất ở Mỹ. Giờ đây, có vẻ như thiên hạ coi tôi giống một mụ phù thủy hơn".
Nỗi khổ của nữ chính khách "Trong chính trị thật không dễ cho phụ nữ. Đó là tôi nói bớt rồi đấy. Nó có thể làm cho bạn hết sức đau khổ, cảm thấy nhục mặt. Khi người phụ nữ tiến tới trước và nói "tôi muốn tranh cử tổng thống", lập tức người ta bắt đầu mổ xẻ mặt mũi, thân hình, giọng nói, cử chỉ, tư tưởng, thành tích, tính liêm chính của bạn. Thật là độc ác không thể tưởng. Tổng thống Eleonor Roosevelt từng nói phụ nữ muốn vào chính trường cần phải có da dày như da tê giác. Theo kinh nghiệm bản thân, nữ chính khách muốn sống cân bằng thì phải vượt qua thử thách ở mọi cấp độ. Càng lên cao càng tệ hại. Nếu quá cứng, ta sẽ bị ghét bỏ. Nếu quá nhu nhược, ta sẽ không gánh nổi chuyện lớn. Nếu quá cần mẫn, ta sẽ bỏ bê gia đình. Nếu coi gia đình là số 1, ta sẽ không làm tròn việc nước. Nếu sự nghiệp thăng tiến mà không có con thì là sai và ngược lại. Nếu phấn đấu ngoi lên cao hơn, ta sẽ bị đánh giá là quá tham lam".(Trích "What happened") |
Theo Nguyễn Cao (Nld.com.vn)