Nhiều người nói rằng do không có con cái nên ông Vương dễ bề trị tệ nạn tham nhũng nghiêm trọng ở Trung Quốc.
Vương Kỳ Sơn, người được xem là có quyền lực chỉ đứng sau ông Tập Cận Bình. |
Trong sự cố phá sản lớn nhất Trung Quốc của Tập đoàn Đầu tư và Quỹ tín thác quốc tế Quảng Đông năm 1988, ông Vương Kì Sơn khi đó là người phụ trách vụ việc. Một hôm, người bạn lâu năm tới gặp ông Vương và đưa ra lời cảnh báo về tính chất nghiêm trọng của vụ việc.
“Tôi có nói với ông Vương rằng những người trong ngân hàng rất quyền lực và mối quan hệ của họ với những người đứng đầu là rất khăng khít. Tôi nói mình lo sợ trước phản ứng của họ nếu ông Vương ép ngân hàng phải phá sản và làm mất đi khoản tài sản quá lớn”, Hoàng Giang Nam, một trong những đồng nghiệp và bạn thân của Vương Kì Sơn, nói. “Tuy nhiên ông ấy bảo tôi là không cần nhiều lời và ông ấy sẽ theo đuổi tới cùng. Ông ấy rất bình tĩnh và cứng rắn”.
15 năm sau, ông Vương trở thành “ngôi sao” trong Ủy ban Trung ương về Giám sát Kỉ luật (CCDI). Ông là người chịu trách nhiệm chính trong cuộc điều tra chống tham nhũng Chu Vĩnh Khang, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an và là một trong những quan chức cấp cao nhất bị “sờ gáy”. Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa từ năm 1949 tới nay, đại án Chu Vĩnh Khang vẫn được xem là tốn giấy mực nhất lịch sử.
Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình sẽ không thể thành công nếu thiếu Vương Kỳ Sơn. |
Cuối năm 2012, Vương Kì Sơn được bổ nhiệm làm chủ tịch CCDI sau khi ông Tập Cận Bình lên nhậm chức Tổng bí thư. Nhiều người bày tỏ sự nghi ngờ năng lực của ông Vương khi phải động tới một trong những vấn đề thâm căn cố đế của Trung Quốc – tham nhũng hệ thống.
Sau 4 năm hoạt động liên tục, ông Vương đã chứng minh tầm ảnh hưởng và những quyết định sáng suốt của mình. Ông được xem là cánh tay phải đắc lực của ông Tập Cận Bình trong cuộc chiến “đả hổ diệt ruồi” và “săn cáo” quy mô toàn quốc.
Giờ đây ở tuổi 69, ông Vương là một trong 7 thành viên cốt cán của Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc. Ông đứng cùng hàng ngũ với Chủ tịch Tập Cận Bình hay Thủ tướng Lí Khắc Cường. Chỉ 18 tháng sau khi nhậm chức chủ tịch CCDI, ông Vương Kì Sơn đã loại bỏ 250.000 cán bộ thoái hóa, biến chất. 39 quan chức chức vụ thứ trưởng trở lên cũng bị tóm gọn. Nhiều người nói rằng, quyền lực của ông Vương chỉ kém mỗi ông Tập.
Chiến dịch chống tham nhũng là trọng tâm của ông Tập Cận Bình kể từ ngày nhậm chức. Ủy ban CCDI đã quét sạch vào mọi lĩnh vực, ngành nghề, từ tài chính, thương mại tới sản xuất thực phẩm. Ngoài những công ty quốc doanh đối mặt các cuộc kiểm tra gắt gao, nhiều tập đoàn quốc tế hoạt động ở Trung Quốc cũng “lãnh đủ”, chẳng hạn như công ty dược Glaxo Smith Kline bị cáo buộc hối lộ công an Trung Quốc.
Các thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ xa xỉ cũng chứng kiến sự sụt giảm doanh số sau khi nhiều quan tham sa lưới.
Vương Kỳ Sơn là một trong 7 thành viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc. |
Tại Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc, đơn vị kinh tế cực lớn và được xem là “bất khả xâm phạm”, rất nhiều quan chức cấp cao đang phải ngồi tù vì tham nhũng. Ông Vương đã thiết lập một hệ thống yêu cầu báo cáo tình hình hằng ngày ở tập đoàn này. Trong trường hợp một quan chức bị bắt, lập tức ngày hôm sau một người cấp dưới sẽ được đôn lên nắm chức.
Ủy ban CCDI cho thấy một cơ chế riêng biệt ở Trung Quốc, cho phép đơn vị này thẩm tra và bắt giữ bất kì ai trong tổng số 87 triệu đảng viên Trung Quốc. Thực tế, nhiều quan chức cấp thấp cũng bị CCDI điều tra và truy tội. Từ năm 2013 đến nay, ít nhất 100 quan chức đã tự tử hoặc chết trong tù sau khi bị cáo buộc tham nhũng.
Vương Kì Sơn từng phát biểu về nguyện vọng xây dựng một thể chế lành mạnh, tránh xa mọi tàn dư tham nhũng: “Nhiệm vụ của chúng tôi là triệt tiêu tham nhũng và xóa bỏ hoàn toàn tệ nạn này”.
Khi trở thành Chủ tịch CCDI năm 2012, nhiều chuyên gia chính trị nói rằng ông không có con cái nên chẳng cần lo tích trữ tài sản. Nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc khác đã tích tụ tài sản tham ô trong vài thập kỷ vì họ có con.
Một nguyên nhân khác lí giải vì sao ông Vương được chọn là bởi ông không phải là thành viên của bất kì hội, nhóm chính trị nào. Ông chỉ có mối quan hệ rất mật thiết với những cán bộ cấp cao.
Vương Kỳ Sơn và Barack Obama thời còn là Tổng thống Mỹ |
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của Vương là tính thẳng thắn, chính trực khiến nhiều lãnh đạo cấp cao để mắt. Năm 1990, ông khẳng định chính sự xu nịnh, tham nhũng đã làm tha hóa bộ máy chính trị Trung Quốc.
Là chủ tịch của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc trong giai đoạn giữa thập niên 1990, ông đã xây dựng nên ngân hàng đầu tư chính danh đầu tiên ở Trung Quốc có đối tác với tập đoàn Morgan Stanley (Mỹ). Cuối thập niên 90, ông đích thân giám sát vụ phá sản trị giá 4 tỉ USD của Tập đoàn Đầu tư và Quỹ tín thác quốc tế Quảng Đông.
Năm 2003, khi đại dịch SARS tấn công Bắc Kinh, ông Vương trở thành thị trưởng và ra tay rất nhanh giải quyết thảm họa sức khỏe này. Năm 2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu lan tới Trung Quốc, ông đã cứu Bắc Kinh “một bàn thua trông thấy”.
Vương Kì Sơn thường được xem là người đàn ông quan trọng khi đàm phán với các quốc gia phương Tây và Mỹ. Ông nói rằng bộ phim truyền hình Mỹ ông yêu thích nhất là House of Cards, trong đó diễn viên chính là tài tử Kevin Spacey.
Henry Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, từng làm việc với Vương trong suy thoái kinh tế 2008 và vụ phá sản Quảng Đông năm 1990, nói: “Vương Kì Sơn là một sử gia nhiệt thành, thích tranh luật triết học và có óc hài hước thâm sâu”.
Theo Quang Minh (Dân Việt)