Alvin York, sinh năm 1887, là đứa con lớn thứ 3 trong tổng số 11 người con của gia đình. Trong suốt tuổi thơ, do điều kiện khó khăn, ông chỉ tới trường được 9 tháng rồi buộc phải nghỉ học để giúp đỡ gia đình với việc săn bắn và trồng trọt. Sau khi cha ông mất, York trở thành 1 kẻ nghiện rượu và thường xuyên dính líu tới các cuộc ẩu đả. Chỉ khi người bạn thân Everett Delk chết sau 1 cuộc đánh lộn, ông mới từ bỏ rượu và bắt đầu trở thành 1 người ủng hộ hòa bình, phản đối bạo lực.
Tuy nhiên, khi Thế chiến 1 bùng nổ và York bị gọi nhập ngũ, tư tưởng phi bạo lực đã trở thành rắc rối cho chính bản thân ông. Tháng 12.1917, sau khi đơn xin miễn nhập ngũ bị bác bỏ, ông gia nhập quân đội và được phân công vào Đại đội G thuộc Trung đoàn Bộ binh số 328 của Sư đoàn Bộ binh số 82. Sau đó, sư đoàn của ông được gửi tới Pháp để tham gia Chiến dịch tấn công Saint-Mihiel.
Khi chiến dịch kết thúc, ông tiếp tục tham gia Chiến dịch tấn công Meuse-Argonne. Đây cũng chính là sự kiện giúp ông ghi tên mình vào lịch sử quân đội Mỹ với thành tích có 1 không 2.
Vào ngày 8.10.1918, York cùng đơn vị mình nhận được chỉ thị chiếm giữ cứ điểm của quân Đức xung quanh Đồi 223, nằm dọc đường ray tàu hỏa Decauville, phía bắc xã Chatel Chery (tỉnh Ardennes, Pháp). Tuy nhiên, người Đức với súng máy trên đỉnh đồi trở thành 1 đối thủ đáng gớm, sẵn sàng “làm cỏ” bất cứ toán lính Mỹ nào dám tiến công.
Để tránh thiệt hại gia tăng, York cùng với 1 số sĩ quan và 13 binh sĩ khác vòng ra đằng sau để hạ các ổ súng máy. Chiến thuật này tỏ ra hiệu quả khi nhóm của ông đã bất ngờ chiếm được sở chỉ huy quân Đức, bắt sống nhiều binh sĩ kẻ thù. Thế nhưng, các ổ súng máy trên đồi bất ngờ nhắm thẳng vào nhóm của York khiến 6 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng, York – lúc này đã trở thành chỉ huy – ra lệnh cho các đồng đội canh chừng tù nhân, còn bản thân thì tìm cách vô hiệu hóa súng máy.
Lúc này, 1 mình ông phải đối mặt với 30 lính Đức. Tuy nhiên, bằng những kĩ năng săn bắn thời còn trẻ, ông trở thành cơn ác mộng với kẻ thù bằng thủ thuật “bắn-nấp” cực kì chính xác của mình. Đã có lúc, 9 người lính Đức xông lên để hạ gục York nhưng ông vẫn bình tĩnh rút súng lục bắn hạ tất cả trước khi họ có cơ hội tiếp cận mình.
Sau khi nghe được lời kêu gọi đầu hàng của York, trung úy Paul Vollmer – sĩ quan chỉ huy quân Đức đã chấp nhận buông súng để không phải hi sinh vô ích. Sau trận chiến tưởng chừng không cân sức, York và 7 người lính Mỹ nữa áp giải tổng cộng 132 tù binh Đức về căn cứ.
Nhờ chiến công này, York được thăng quân hàm trung sĩ và nhận Huân chương Phục vụ Xuất chúng (sau này được nâng cấp thành Huân chương Danh Dự). Không chỉ có vậy, dù là 1 người lính Mỹ, ông vẫn được nước Pháp trao cho Huân chương Croix de Guerre và Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh.
Theo Mai Đại (Dân Việt)