Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Guido Roberts-Borsani đến từ Trường ĐH California ở Los Angeles (UCLA), đã sử dụng dữ liệu từ máy quang phổ cận hồng ngoại NIRSpec của kính viễn vọng không gian James Webb (phát triển và điều hành chính bởi NASA) để tìm ra thiên hà lùn cổ đại JD1.
Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature cho thấy các hình ảnh mà James Webb ghi nhận từ thiên hà này là hình ảnh khi vũ trụ mới chỉ ra đời 480 triệu năm, tức 480 triệu năm sau vụ nổ Big Bang.
Sự thú vị càng tăng lên khi chúng ta có thể thấy không chỉ 1 mà tới 3 JD1 theo góc nhìn từ Trái Đất, do hiệu ứng "thấu kính hấp dẫn", tức các vật thể không gian gần hơn đã bẻ cong không - thời gian, khiến vật thể bị nhân bản.
Một trong những thấu kính hấp dẫn tham gia sự kiện này là thiên hà khổng lồ Abell 2733, có bề ngang tận 350 triệu năm ánh sáng và cách chúng ta khoảng 4 tỉ năm ánh sáng.
Hiệu ứng này cũng đồng thời khiến JD1 trông to, rõ hơn, như nhìn qua một chiếc kính lúp, khiến James Webb phát hiện được dù nó khá trong và mờ.
JD1 một thiên hà cỡ nhỏ so với toàn bộ thiên hà Milky Way chứa Trái Đất, nhưng vẫn là một gã khổng lồ đáng nể đối với thiên thể nhỏ bé chúng ta đang sinh sống. Càng đáng nể hơn khi nó hình thành trong một vũ trụ sơ khai nghèo nàn.
Hình ảnh này cũng đã vượt một khoảng cách 13,3 tỉ năm ánh sáng đến Trái Đất - tức cũng mất hơn 13,3 tỉ năm về mặt thời gian - một hình ảnh xuyên không thực thụ giúp nhân loại nhìn trực tiếp vào vũ trụ sơ khai.
'"Sự kết hợp giữa James Webb và khả năng phóng đại của thấu kính hấp dẫn là một cuộc cách mạng. Chúng tôi đang viết lại cuốn sách về cách các thiên hà hình thành và phát triển ngay sau vụ nổ Big Bang" - GS Tommaso Treu, đồng tác giả từ UCLA, nói.
Phát hiện mới này hứa hẹn giải đáp nhiều chi tiết về cách vũ trụ đã tiến hóa và cả sự ra đời của hành tinh chúng ta, vốn là sản phẩm của một vũ trụ được làm giàu hóa học nhờ hàng loạt thế hệ sao và hành tinh trong các thiên hà cổ đại hình thành rồi tan vỡ.
Theo Anh Thư (Nld.com.vn)