Các nhóm hoạt động dân sự , bao gồm Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốc (KCTU), đã biểu tình trước Nhà Xanh hôm 29/5 nhằm yêu cầu chính quyền Tổng thống Moon Jae-in xử lý trường hợp vi phạm nhân quyền liên quan đến hai ngư dân Việt Nam, đồng thời đề nghị truy tố và thu hồi giấy phép của các nghi phạm. Ngày hôm sau, chi nhánh của KCTU tại đảo Jeju cùng các nhóm khác cũng biểu tình trước Trung tâm Việc làm và Phúc lợi Jeju, theo Korea Times.
Hai ngư dân Việt Nam trong độ tuổi 20 tới làm việc trên một tàu cá xuất phát từ cảng Seogwipo thuộc đảo Jeju. Họ cho biết thường xuyên bị bóc lột sức lao động, quấy rối tình dục và ném xuống biển theo lệnh của thuyền trưởng trong khoảng thời gian gần 6 tháng, theo Korea Times.
Một trong hai nạn nhân tới Hàn Quốc từ tháng 6/2017. Phóng sự trên kênh JTBC hôm 29/5 cho thấy người này đang vùng vẫy giữa biển trong bất lực, chỉ cách tàu vài mét. Nạn nhân nói rằng "thuyền trưởng giận dữ" đã ném anh xuống biển, khiến anh cảm thấy "vô cùng kinh hoàng khi tay và chân như sắp đóng băng". Anh nói thêm rằng những vết sẹo trên mặt cũng do thuyền trưởng gây ra.
Đoạn video trong phóng sự được quay hồi tháng 3 bởi một ngư dân Việt Nam khác tới Hàn Quốc từ tháng 9/2017. Người này cáo buộc thuyền trưởng đã đột nhập vào phòng và có hành vi quấy rối tình dục với anh.
Đoạn video cho thấy ngư dân Việt Nam bị ném ra giữa biển. |
Hai người Việt kể lại rằng thuyền trưởng thường đe dọa họ bằng cách dọa ném dao hoặc các đồ vật khác. Các thành viên trong gia đình thuyền trưởng ở trên tàu thì lạm dụng sức lao động của họ.
Vào tháng 12/2017, sau khi tới đất liền, họ đã báo cáo sự việc với cảnh sát Seogwipo. Tuy nhiên, thuyền trưởng đã thuyết phục được hai người này quay lại tàu, khiến cơn ác mộng của họ tiếp tục.
Cảnh sát biển Seogwipo đã bắt giữ thuyền trưởng để điều tra vụ việc. Chính quyền cho biết họ đang thu thập thêm chứng cứ bởi lời khai của nghi phạm và nạn nhân không giống nhau.
Các cuộc biểu tình tại Seoul và Jeju đều chỉ trích hệ thống làm việc hiện nay tại Hàn Quốc. Họ gọi đó là "hợp đồng nô lệ", bởi các ngư dân chỉ có thể chuyển tàu khi được người chủ hiện tại của họ chấp thuận.
"Theo luật hiện hành, khi người chủ rõ ràng có lỗi, việc chuyển chỗ làm là hợp pháp. Tuy nhiên, những người lao động nhập cư rất khó có thể chứng minh trường hợp của mình", Baek Seon-young thuộc KCTU giải thích.
Cảnh sát biển Hàn Quốc hôm 31/5 cho biết họ sẽ khảo sát 83.000 đơn vị trên toàn quốc, từ các tàu đến trang trại nuôi cá, để kiểm tra việc vi phạm nhân quyền, bao gồm các trường hợp liên quan đến lao động nước ngoài. Việc kiểm tra sẽ kéo dài tới cuối tháng 6.
Theo Ánh Ngọc (VnExpress.net)