Khi người dân Hàn Quốc ngày càng yêu quý và coi chó là con vật cưng, nhu cầu tiêu thụ thịt chó cũng giảm. Thịt chó đang trở thành món ăn kỳ lạ đối với nhiều người dân xứ kim chi.
Những con vật được nuôi theo cách đặc biệt để đem tiêu thụ. Chúng chỉ sống quanh quẩn ở trong lồng từ lúc sinh ra tới khi bị giết lấy thịt. Hàng nghìn trại nuôi chó như của ông Gong tồn tại ở Hàn Quốc, theo hãng tin Pháp.
Trại nuôi chó lấy thịt của ông Gong là địa chỉ thứ 5 ở Hàn Quốc mà tổ chức HSI yêu cầu đóng cửa. Gong nói ông vui vì giờ đây không phải làm công việc nuôi và giết thịt chó như 10 năm qua.
Những con chó bị nhốt chung trong lồng ở một trại nuôi chó lấy thịt ở Wonju, phía đông nam Seoul vào ngày 27/4. |
Hàn Quốc tiêu thụ khoảng 1,5 tới 2,5 triệu con chó mỗi năm. Tuy nhiên ngành công nghiệp thịt chó đang suy giảm, đặc biệt là nhu cầu sử dụng thịt chó trong giới trẻ Hàn Quốc.
“Đó là ngành kinh doanh đang lụi tàn”, ông Gong nói. Theo ông, trước đây, người Hàn Quốc ăn thịt chó vì không còn gì khác. "Nhưng giờ đây, người trẻ không ăn món đó nữa. Thịt chó đang trở thành món kỳ lạ đối với mọi người”, Gong nói.
Kết quả điều tra hồi năm ngoái của trang thăm dò Gallup Korea cho thấy, chỉ 20% người Hàn Quốc trong độ tuổi 20 ăn thịt chó. Con số này giảm một nửa ở những người từ 50 tới 60 tuổi.
Theo ông Gong, khi người dân Hàn Quốc ngày càng yêu quý và coi chó là con vật cưng, nhu cầu tiêu thụ thịt chó cũng giảm. Gong thừa nhận ông "không bao giờ tự hào" về trại nuôi chó lấy thịt của mình và khẳng định nó chỉ đem lại cho ông một cuộc sống ở mức khiêm tốn. Trung bình mỗi năm ông bán được khoảng 200 con chó với giá khoảng 200 USD/con, tùy thuộc vào trọng lượng.
Ông Gong cảm thấy quyết định dừng nuôi và kinh doanh thịt chó là điều đúng đắn vì nó mang lại cuộc sống tự do cho loài vật vốn rất gần gũi với con người.
Trong năm 2015, HSI đã giải cứu 225 con chó và đóng cửa 4 trại nuôi chó lấy thịt ở Hàn Quốc. Tổ chức gọi đây là cách tiếp cận “xây dựng và hợp tác” nhằm xóa sổ ngành công nghiệp từ lâu bị các tổ chức quốc tế vì quyền lợi động vật chỉ trích.
Phần lớn trong số chúng sau đó được đưa tới Mỹ và Canada cho các gia đình nhận nuôi. Đổi lại, người chủ trại nuôi chó lấy thịt được nhận số tiền lên tới 60.000 USD, phụ thuộc vào số lượng chó bị nuôi nhốt. Những người này có thể dùng số tiền để đầu tư cho các trại “nhân đạo” hơn, ví dụ như trồng việt quất hay ớt xanh.
Nhiều bạn trẻ Hàn Quốc phản đối việc ăn thịt chó. Ảnh: AP |
Ngoài giải cứu động vật từ các trại, HSI tìm cách nâng cao nhận thức của người dân Hàn Quốc về hoạt động tàn ác trong các trại nuôi chó lấy thịt. Theo Andrew Plumbly, giám đốc chiến dịch của HSI, cho biết họ đã khởi động cuộc đối thoại với các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc về vấn đề này.
Giới chức Hàn Quốc thường tỏ ra rất nhạy cảm trước những hoạt động công khai liên quan tới ngành công nghiệp thịt chó. Các nhà hàng bán thịt chó ở thủ đô Seoul từng bị đóng cửa trước Thế vận hội Mùa hè năm 1988.
Hàn Quốc đang chuẩn bị đăng cai Thế vận hội Mùa đông năm 2018, thu hút sự chú ý của thế giới. Theo ông Plumbly, đây là cơ hội để tổ chức HSI thay đổi thói quen ăn thịt chó của người Hàn Quốc.
"Hoạt động buôn bán thịt chó sẽ bị chú ý phần nào nên các nhà hoạch định chính sách sẽ cảm thấy áp lực và hy vọng, họ sẽ có những phản ứng tích cực", ông Plumbly nói.
Tranh luận về chuyện ăn thịt chó luôn là vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội Hàn Quốc. Trong "3 ngày thịt chó", khoảng thời gian nóng nhất trong năm tại Hàn Quốc, nhiều người dân xếp hàng dài trước các quán thịt chó vì tin rằng món ăn có tính mát và giúp họ giải nhiệt trong mùa hè.
Tuy nhiên, trước hành động quyết liệt của các tổ chức bảo vệ động vật và những thay đổi trong nhận thức của người Hàn Quốc, món thịt chó đang dần bị "thất sủng" tại đất nước này.
Theo Hải Anh (Zing.vn)