Người gốc Việt làm nghề “nail” tại Mỹ đều ít nhiều biết đến nữ diễn viên Nathalie Kay "Tippi" Hedren - người không chỉ khai sáng cho họ một nghề nghiệp, mà còn cả một tương lai cho họ.
Bên trong một tiệm làm móng của người Việt tại bang Minnesota - Ảnh: MinnPost |
Trả lời phỏng vấn báo Minnesota Post của Mỹ, cô An Nguyen, thợ làm móng tại tiệm V-Stars Nails ở South Minneapolis kể: “Cách đây rất lâu, người Việt đặt chân đến Mỹ không có việc làm và cũng không biết làm sao kiếm tiền. Rồi một phụ nữ da trắng đã dạy cho họ nghề làm móng để làm sinh kế…”.
“Đôi bàn tay hạnh phúc”
“Sau đó - cô An Nguyen kể tiếp - những phụ nữ Việt mở tiệm làm móng và tiếp tục truyền nghề lại cho thân nhân của họ từ Việt Nam. Ngày nay có rất nhiều người Việt làm nghề móng. Tôi nghĩ người phụ nữ da trắng đó là một diễn viên. Tôi không chắc đúng không, nhưng nhiều người nói với tôi như vậy”.
Quả thật người phụ nữ cô An Nguyen nhắc đến là nữ diễn viên Nathalie Kay "Tippi" Hedren, một cư dân gốc Minnesota. Bà Hedren năm nay đã 87 tuổi, đang giữ chức chủ tịch Quỹ bảo tồn Roar Foundation chuyên bảo vệ động vật hoang dã.
Nhờ hành động giúp đỡ những phụ nữ gốc Việt ở trại tị nạn gần Sacramento năm 1975, bà Hedren được vinh danh là “bà tổ của ngành công nghiệp nail”. Năm 2014, một bộ phim ngắn tên gọi “Đôi bàn tay hạnh phúc” kể về câu chuyện của nữ diễn viên Hedren đã đoạt giải phim tài liệu tại Liên hoan phim quốc tế Sonoma.
|
Nữ diễn viên Nathalie Kay "Tippi" Hedren nay đã cao tuổi nhưng vẫn còn giữ vẻ đẹp sang trọng - Ảnh: REUTERS |
Ở vùng Minneapolis - Saint Paul, bất cứ ai cũng có thể chứng kiến tầm nhìn 42 năm của bà Hedren trở thành hiện thực khi ghé vào bất cứ tiệm làm móng nào của người gốc Việt.
“Không phải quá tuyệt vời sao? Tôi hết sức cảm động trước những gì xảy ra. Tôi nghĩ công việc đó đã giúp rất nhiều người, và trong vai trò xúc tác, tôi cảm thấy rất vinh dự” - nữ diễn viên Hedren trả lời phỏng vấn báo Minnesota Post cách đây một tuần từ nhà riêng ở Los Angeles.
“Khi tôi gặp nhóm phụ nữ Việt Nam, tôi để ý thấy họ có đôi bàn tay rất khéo léo. Vậy là tôi nghĩ, hay quá, biết đâu họ có thể học kỹ thuật làm móng Juliette, vốn phức tạp hơn nhiều so với việc sơn móng thông thường. Và thế là…” - bà Hedren hồi tưởng lại.
51% thợ làm móng ở Mỹ là người gốc Việt
Trả lời phỏng vấn Tạp chí Nails, bà Thuan Le cho biết cô là một trong những phụ nữ đầu tiên gặp nữ diễn viên Hedren ở trại tị nạn cách đây hơn 40 năm. “Tippi lo lắng cho tương lai chúng tôi, bà muốn chúng tôi có thể tự lập ở Mỹ” - bàThuan Le nhớ lại.
“Bà ấy tổ chức một lớp học may và một lớp học đánh máy chữ, nhưng tôi không tham gia hai lớp đó. Chúng tôi thích những ngón tay tuyệt đẹp của bà. Khi tôi nhìn vào mắt bà ấy và trông thấy một nụ cười, tôi không ngờ là bà ấy đã có trong đầu một nghề nghiệp khác cho chúng tôi. Đó là lớp học làm móng” - bà Thuan Le nhớ lại.
Còn cô An Nguyen giãi bày: “Một trong những lý do khiến những người gốc Việt đầu tiên chọn nghề móng đó là nó không đòi hỏi phải biết nhiều tiếng Anh. Tôi có bốn anh chị em khác làm việc ở các tiệm móng ở Bloomington. Tôi thì thích chỗ này hơn”.
|
Cô An Nguyen, thợ làm móng gốc Việt ở South Minneapolis - MinnPost |
Theo một số ước tính, khoảng 51% lao động trong ngành công nghiệp làm móng tại Mỹ là người gốc Việt. Riêng tại bang California, thợ làm móng gốc châu Á chiếm đến 80%, tất nhiên trong đó người gốc Việt chiếm đa số.
“Ngành công nghiệp làm móng đã có những thay đổi lớn dưới sức ảnh hưởng và thói quen văn hóa của những người thợ Việt Nam… Họ đã mang dịch vụ làm móng đến với một phân khúc thị trường hoàn toàn mới, đến những khách hàng thậm chí chưa bao giờ biết đến việc đi vào tiệm để chăm sóc móng” – Tạp chí Nails bình luận.
Ở bang Minnesota, một báo cáo năm 2012 thống kê được có tất cả 3.437 thợ làm móng và 700 tiệm móng. Nhờ công việc phát đạt, người gốc Việt là một trong những cộng đồng có dân số tăng nhanh nhất Minnesota.
Có vẻ như di sản của nữ diễn viên Hedren và 20 học trò học trò của bà sẽ còn tiếp tục phát triển.
Theo Phúc Long (Tuổi Trẻ)