Với đồng lương hưu eo hẹp, nhiều người cao tuổi ở Hàn Quốc buộc phải làm công việc đi giao hàng nặng nhọc để kiếm thêm.
Ông Cho Yong-moon, 75 tuổi, trên đường đi giao hàng nhanh, đứng ở một bến tàu điện ngầm ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Tận dụng thẻ tàu điện ngầm miễn phí, ông Cho Yong-moon, 75 tuổi, dành 9 tiếng mỗi ngày và đủ 5 ngày một tuần để đi giao hàng nhanh cho các cửa tiệm quần áo và trang sức ở Seoul, Hàn Quốc, Bloomberg đưa tin.
Với đồng lương hưu ít ỏi trong khi chi phí sinh hoạt không ngừng tăng, ngày càng nhiều người cao tuổi như ông Cho gia nhập "đội quân" giao hàng nhanh tỏa đi khắp các ngõ ngách ở thủ đô Seoul.
"Công việc này không hề dễ dàng, đặc biệt khi tôi bê vác nặng và đi bộ một quãng đường dài giữa các tàu điện ngầm", ông Cho cho biết ông kiếm được khoảng 430 USD mỗi tháng cộng với khoản lương hưu gần 500 USD, vừa đủ trang trải chi phí sinh hoạt của hai vợ chồng.
"Số chỗ ngồi ưu tiên cho người già trên tàu điện ngầm cũng hạn chế vì vậy tôi thường phải đứng hàng giờ liền", ông Cho giãi bày.
Tình trạng sống khó khăn của ông Cho cho thấy những thách thức mà Hàn Quốc đang phải đối mặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm và dân số già hóa.
"Những thách thức này trở nên lớn hơn đối với khu vực Đông Bắc Á do tốc độ và quy mô thay đổi của dân số. Lợi thế dân số trẻ từng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vững chắc của khu vực này nhưng nay lợi thế đó đã biến thành gánh nặng dân số", Dong Hyun Park, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Manila, Philippines, nhận xét.
Ông Park nhận định cuộc sống nghèo khó của người cao tuổi tiềm ẩn nguy cơ bất ổn kinh tế và xã hội lớn đối với khu vực Đông Bắc Á.
Lao động ở tuổi xế chiều
|
Một cụ ông Hàn Quốc ngồi trên thềm đá ở công viên tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: BBC. |
Văn hóa "sống lâu lên lão làng" ở Hàn Quốc buộc các công ty phải trả lương theo thâm niên, nghĩa là nhân viên càng lớn tuổi và gắn bó lâu với công ty càng được hưởng mức lương cao. Để đối phó, nhiều doanh nghiệp nghĩ cách cho người lao động về hưu sớm trước khi họ tích lũy đủ để có cuộc sống an nhàn ở tuổi xế chiều.
Bên cạnh đó, mô hình gia đình nhiều thế hệ, trong đó con cái chăm sóc bố mẹ khi về già, ông bà giúp trông nom các cháu để cha mẹ chúng đi làm, không còn phổ biến ở Hàn Quốc, khiến hàng triệu người cao tuổi đang phải tự bươn chải kiếm sống.
Tỷ lệ người già sống trong cảnh nghèo đói ở Hàn Quốc cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Theo một ước tính vào năm 2014, các cụ ông ở Hàn Quốc chỉ thực sự dừng làm việc khi bước vào tuổi 73 và tuổi nghỉ ngơi của các cụ bà là 71.
"Các công ty cần thay đổi văn hóa tăng tiền phúc lợi của nhân viên theo thâm niên vì đây chính là lý do khiến họ ngại giữ lao động lớn tuổi", giáo sư Shin Kwan-ho của trường đại học Hàn Quốc tại Seoul nhận xét. Theo ông, người già ngày nay khỏe mạnh hơn và lực lượng lao động cao tuổi có thể giúp bù đắp sự suy giảm dân số ở độ tuổi lao động.
Tuy nhiên, trên thực tế, người cao tuổi không dễ dàng kiếm được việc làm. Một vài người buộc phải chấp nhận những công việc với đồng lương rẻ mạt. Và số khác phải tận dụng cả quyền sử dụng hệ thống giao công cộng miễn phí dành cho người già trên 65 như là lợi thế cạnh tranh để có việc làm.
Golden Job, trung tâm tìm kiếm việc làm của thành phố Seoul, mở các khóa đào tạo kỹ năng dành cho người lao động cao tuổi, tập trung đáp ứng các công việc như chuyển phát nhanh, trông giữ xe, lao công hay thủ thư.
Ông H.M. Cho, 63 tuổi, có kinh nghiệm 25 năm làm việc cho các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, hiện là một học viên của Golden Job. Dù đang là nhân viên học việc tại một công ty cung ứng máy với quy mô nhỏ, ông Cho vẫn không yên tâm và muốn học thêm các kỹ năng mới phòng trường hợp bị sa thải.
Ông Cho cho biết trước kia mỗi tháng ông kiếm được khoảng hai triệu won (1.600 USD). Sau khi công ty cắt giảm nhân sự, ông kiếm được vị trí hiện tại với mức thu nhập bằng 75% mức lương cũ.
Theo thống kê, khoảng 44% người Hàn Quốc độ tuổi từ 55 tới 79 đang sống nhờ trợ cấp lương hưu của các cơ quan chính phủ hoặc doanh nghiệp tư nhân. Dù mức lương hưu trung bình hàng tháng là hơn 400 USD, hơn một nửa số người cao tuổi đang được nhận chưa tới 200 USD tiền lương hưu.
Kết quả một cuộc khảo sát về thu nhập của tầng lớp trung lưu ở Hàn Quốc cho thấy đa số những người được hỏi đều nhận định rằng lương hưu sẽ không đủ chi trả một nửa chi phí sinh hoạt của họ. Và khoảng 96% trong số 1.025 hộ gia đình trung lưu tham gia khảo sát cho biết họ dự định sẽ tiếp tục làm việc sau khi về hưu để gia tăng thu nhập.
Ông Cho Won-dae, 84 tuổi, đã làm công việc giao hàng nhanh suốt 10 năm qua. Lời khuyên của ông là để tránh mặc cảm và tự ti, hãy quên các công việc trước kia bạn từng làm đi.
"Vẫn kiếm được tiền là tốt rồi, dù có ít đi chăng nữa. Có lần bạn của con trai tôi trông thấy tôi ngồi ăn uống vạ vật ở bến tàu điện ngầm nhưng tôi không cảm thấy xấu hổ chút nào. Bạn nên tự hào vì công việc mình đang làm", ông Cho nói. Hiện cụ ông 84 tuổi này kiếm được hơn 800 USD mỗi tháng nhờ đi giao hàng nhanh.
Theo An Hồng (VnExpress.net)