Số tiền khủng tìm thấy trong rừng tre
Tháng 4/1989, người đàn ông không tiết lộ tên, tìm thấy chiếc túi chứa khoảng 1 triệu USD (hơn 23,5 tỷ đồng) trong khu rừng tre, ở Kawasaki, phía nam Tokyo (Nhật Bản). Năm ngày sau đó, một người khác cũng tìm thấy túi tiền chứa 629.000 USD (hơn 14,9 tỷ đồng) trong khu rừng.
Việc phát hiện 2 chiếc túi gây chấn động trong khu vực. Mọi người gọi là "Taketori Monogatari" - câu chuyện dân gian Nhật Bản kể về ông lão khi đốn tre đã phát hiện ra một nàng công chúa bên trong thân cây - thời hiện đại.
Thời điểm đó, với niềm tin "những thứ xảy ra 2 lần chắc chắn sẽ có lần thứ 3", nhiều người ôm mong ước làm giàu đã đổ xô đến khu rừng và bắt đầu cuộc truy tìm "kho báu".
"Cảnh tượng đông như chợ, thậm chí có thể dựng lên các quầy hàng để buôn bán", cư dân địa phương Hiroyasu Watanabe nhớ lại.
Hiroyasu Watanabe lúc đó là phóng viên một tờ báo về kinh tế, chứng khoán. Anh nhìn thấy hình ảnh trên bản tin và phát hiện nơi ấy gần nhà bố mẹ mình. Anh đến hiện trường, khu vực xung quanh nhà bố mẹ anh rất đông người, cảnh sát cũng có mặt.
Danh tính người đàn ông tìm thấy túi tiền đầu tiên nhanh chóng được tìm thấy. Đó là một người đàn ông 39 tuổi, đến khu rừng để hái măng. Anh và vợ điều hành nhà hàng Yakitori, cách khu rừng vài kilomet. Sau vụ việc, rất nhiều phóng viên đến nhà hàng để phỏng vấn, theo Mainichi.
Chủ sở hữu thực sự là ai?
Cảnh sát tỉnh Kanagawa vào cuộc truy tìm chủ sở hữu thực sự của túi tiền. Dựa trên tên của tổ chức tài chính, ngày phát hành xuất hiện trên dây của các bó tiền, cảnh sát phát hiện số tiền thuộc về chủ tịch một công ty kinh doanh ở phường Ota, Tokyo.
Vị chủ tịch 46 tuổi sau đó thừa nhận mình đến khu rừng tre 2 lần để giấu các túi tiền. "Đó là khoản tiền tôi giấu đi để trốn thuế. Tôi muốn ai đó có thể tìm thấy và đem đi quyên góp vì lợi ích của xã hội", anh nói.
Tuy nhiên sau đó, anh lại thay đổi phát ngôn. Anh nhấn mạnh, anh không vứt tiền mà chỉ cất ở đó, đồng thời báo cáo rằng nó bị mất. Vì vậy, khi tìm thấy tiền, cảnh sát tỉnh đã trả lại số tiền theo luật tài sản của Nhật Bản về món đồ bị mất.
Cuộc sống hiện tại ít ai ngờ
34 năm trôi qua, Hiroyasu Watanabe quay lại tìm kiếm người đàn ông may mắn đầu tiên tìm thấy số tiền lớn. Khung cảnh ngày xưa đã thay đổi nhiều. Nhà hàng Yakitori của vợ chồng người đàn ông ấy không còn ở đó nữa. Anh đã ngừng kinh doanh vài năm trước và chuyển đi nơi khác.
Những ai quen biết người đàn ông này đều mô tả anh là một người ít nói và không có nhiều bạn bè. Hiroyasu tìm đến khu dân cư được cho là nơi người đàn ông đó từng sống, quán cà phê anh thường ghé thăm.
Daiya Sato, 85 tuổi, chủ quán cà phê kể lại rằng khi ông và một số khách hàng đang nhắc lại chuyện túi tiền trong rừng tre năm xưa thì một người đàn ông ngồi cạnh đó bất ngờ lên tiếng.
"Chính tôi là người đã tìm thấy số tiền ấy", anh ta nói. Câu nói khiến Sato và mọi người có mặt trong quán ngạc nhiên.
Nhưng sau năm 2007 ông Sato không còn thấy người đàn ông ấy nữa. Nhiều người đồn rằng anh được nhận toàn bộ số tiền 23,5 tỷ đồng và trở nên giàu có. Anh cũng nhận được rất nhiều bức thư từ các tổ chức khác nhau để xin quyên góp, tài trợ. Thậm chí người thân cũng tìm đến và xin tiền anh.
Trên thực tế, chỉ 10% số tiền được trao cho người tìm thấy như một phần thưởng. Người đàn ông tìm thấy số tiền đầu tiên được nhận khoảng 2,3 tỷ đồng, trong khi người tìm thấy chiếc túi thứ 2 nhận được gần 1,5 tỷ đồng. Sau khi phải đóng thuế, số tiền mà người đàn ông may mắn đầu tiên nhận được, đủ cho anh đặt cọc mua một căn chung cư mới.
Hiroyasu tiếp tục hành trình tìm kiếm thì phát hiện người đàn ông năm xưa đang sống ở một khu dân cư đông đúc miền đông Nhật Bản. Khi Hiroyasu bấm chuông cửa, trước mặt là người đàn ông với khuôn mặt mà anh đã nhìn thấy trong bức ảnh từ 34 năm trước.
Khi được hỏi về chuyện nhiều năm trước, người đàn ông này phản ứng và không muốn nhắc lại chuyện cũ.
"Tôi không muốn nhắc lại việc tìm thấy 1 triệu USD nữa. Tôi đã trải qua một khoảng thời gian khủng khiếp. Giờ đây, tôi đang sống với vợ mình rất yên bình. Vì vậy tôi mong bạn hãy để tôi yên", anh nói, rồi đóng cửa lại.
Theo Hoàng Dung (VietNamNet)