Tháng 9/1939, gia đình Glazewski chôn giấu nhiều món đồ bằng bạc, trước khi bỏ chạy khỏi trang trại ở miền đông Ba Lan. Lúc ấy, chỉ còn người đứng đầu gia đình - ông Adam Glazewski ở lại.
Ông Adam có 4 người con trai. Sau khi rời quê hương, họ định cư ở khắp nơi trên thế giới. Bí mật về kho báu gia đình đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Sau khoảng 80 năm sau, anh Jan Glazewski, cháu trai của ông Adam, đã tìm thấy kho báu dựa vào tấm bản đồ vẽ tay cha để lại.
Jan Glazewski sống ở Nam Phi, là giáo sư tại Đại học Cape Town. Năm ngoái, anh chia sẻ câu chuyện của gia đình mình trong bài giảng ở khoá học hè của Đại học Cape Town.
Năm 1989, cha đưa cho anh tấm bản đồ ông tự vẽ tay dựa theo trí nhớ của mình, cùng một bản hướng dẫn. Ông thường kể cho anh nghe về cái ngày cả gia đình chôn kho báu và bỏ chạy.
Mẹ của Jan còn cẩn thận bọc lại ga trải giường, cất vào vali vì nghĩ rằng sẽ sử dụng khi quay trở về. Tuy nhiên, mong muốn của bà không bao giờ trở thành hiện thực.
"Cha tôi viết ở phía cuối tấm bản đồ rằng con phải tìm thấy những món đồ bạc của gia đình. Lời nhắc nhở làm tôi xúc động và truyền cảm hứng khiến tôi phải thực hiện ước mơ này", anh cho biết.
Cuộc tìm kiếm này không dễ dàng. Gia đình anh Jan sống ở Nam Phi. Cha anh mất năm 1991.
Vài năm sau khi nhận tấm bản đồ, anh từng trở lại khu đất theo chỉ dẫn nhưng tất cả chỉ là rừng cây um tùm. Phải đến năm 2019, anh mới quay trở lại quê hương để tiếp tục tìm.
"Việc tìm kiếm giống như mò kim đáy bể", anh nói.
Với sự hỗ trợ của người thân và 2 thợ dò kim loại, anh đã vượt qua mọi khó khăn. Sự kiên nhẫn và quyết tâm của anh cuối cùng đã được đền đáp.
Một kho báu không chỉ có giá trị vật chất mà còn là kỷ niệm gia đình đã được tìm thấy. Điều này khiến anh rất xúc động.
"Chạm vào những món đồ của mẹ được đóng gói cẩn thận khiến tôi rất xúc động. Với tôi, đó là những món đồ vô giá, đầy ý nghĩa", anh chia sẻ.
Trong kho báu anh tìm được, có một số đồ trang sức của người mẹ quá cố, chiếc thìa khắc tên cha, nhiều đồ có tên viết tắt của bà...
Theo Hoàng Dung (VietNamNet)