Người đàn ông mua căn hộ 21 tỷ đồng nhưng chủ cũ không chịu dọn đi: Tòa án khẳng định anh không có quyền đuổi họ

06/02/2025 07:36:04

Sau khi nghe tòa tuyên án, người đàn ông Trung Quốc chỉ biết ngậm ngùi chờ đợi mà không dám đuổi chủ nhà cũ ra khỏi căn hộ của mình.

Mua căn nhà 21 tỷ đồng nhưng lại không có quyền ở

Theo The Paper, năm 1998, ông Phi (Nam Hồ, Trung Quốc) và con gái của mình cùng nhau đầu tư để mua một căn hộ. Theo đó, người đàn ông này bỏ ⅔ số tiền, còn lại là phần của người con. Căn nhà được đăng ký dưới tên người con, Hạ. 

Vào tháng 3/2008, cha con ông Phi đã ký thỏa thuận về quyền sở hữu rằng bất kỳ ai trong 2 người đều có quyền sống trong ngôi nhà này và không được phép bán nếu không có sự cho phép. 

Tuy nhiên, đến năm 2019, cô Hạ đã tự ý bán căn hộ này cho Giao với số tiền 5 triệu NDT (hơn 17 tỷ đồng) mà không có sự cho phép của bố. Ở thời điểm này, Giao biết bố mẹ cô Hạ vẫn sống ở đây. Song do chưa có nhu cầu sử dụng, anh đồng ý cho cô Hạ thuê lại căn nhà với điều kiện phải chuyển đi bất kỳ lúc nào nếu như gia đình anh có nhu cầu sử dụng. Nhưng chưa kịp ở ngày nào, người đàn ông này tiếp tục chuyển nhượng căn hộ cho một người khác tên Du với giá lên đến 6 triệu NDT (khoảng 21 triệu NDT). Do khi thực hiện thủ tục bàn giao nhà, anh Giao đã tuyên bố rằng người sống trong nhà sẽ chuyển đi khi anh Du có nhu cầu sử dụng. Nên người này hoàn toàn yên tâm. 

Người đàn ông mua căn hộ 21 tỷ đồng nhưng chủ cũ không chịu dọn đi: Tòa án khẳng định anh không có quyền đuổi họ

2 tháng sau khi ký hợp đồng mua bán nhà, anh Du đòi lại căn hộ để dọn dẹp nhằm chuyển vào nhà mới. Tuy nhiên, lúc này, vợ chồng ông Phi sống tại đây nhất quyết không chịu rời đi. Anh liên hệ với Giao để hỗ trợ nhưng không được. Bởi chính Giao cũng không thể liên lạc với Hạ để tác động. 

Tòa án đưa ra phán quyết bất ngờ

Đối mặt với tình huống mua nhà được hơn 2 tháng nhưng không thể chuyển vào ở, anh Du đã kiện chủ nhà cũ ra tòa án quận Nam Hồ, Trung Quốc và yêu cầu phải giao lại căn nhà ngay lập tức. Đồng thời, phía anh Giao cần có trách nhiệm bồi thường toàn bộ tiền gia đình Du phải đi thuê nhà trong hơn 2 tháng. 

Sau khi xem xét vụ việc, thẩm phán cho rằng việc Hạ trái phép bán căn nhà cho Giao là xâm phạm quyền cư trú của cha cô và cấu thành hành vi vi phạm hợp đồng. Mặc dù hợp đồng mua bán nhà giữa Giao với Hạ và giữa Giao với Du là hợp pháp và có hiệu lực. Tuy nhiên, Giao và Du đã không thực hiện quyền kiểm tra ngôi nhà và đã mua phải ngôi nhà đã đăng ký quyền cư trú.  

Tòa án cho biết theo quyền Sở hữu tài sản của Luật Dân sự Trung Quốc đã quy định: Quyền cư trú có thể được thiết lập thông qua hợp đồng hoặc thông qua di chúc. Theo quy định, khi quyền cư trú được thiết lập đối với một ngôi nhà, người được hưởng quyền có thể sống ở đó trong một thời gian dài hoặc thậm chí là suốt đời mà không cần giấy chứng nhận bất động sản. Kể cả khi chủ sở hữu mới có được giấy chứng nhận bất động sản và quyền sở hữu sau đó thì cũng không thể thay đổi được thực tế là “quyền cư trú” đã tồn tại và không có quyền đuổi người có quyền cư trú ra khỏi nhà.

Thời hạn của quyền cư trú là do chính người đó quyết định, có thể là 5, 10, 20 năm hoặc trọn đời. Nếu có giá trị trọn đời thì quyền cư trú sẽ chỉ mất đi cho đến khi người hưởng quyền qua đời.

Người đàn ông mua căn hộ 21 tỷ đồng nhưng chủ cũ không chịu dọn đi: Tòa án khẳng định anh không có quyền đuổi họ - 1

Trong trường hợp này, ông Phi và con gái đã có có hợp đồng thỏa thuận về quyền cư trú khi cùng góp tiền mua nhà. Vì thế, tòa án phán quyết bác bỏ toàn bộ khiếu nại của anh Du và khẳng định người này không có quyền đuổi ông Phi ra khỏi nhà. 

Thẩm phán cho biết Bộ Luật Dân sự nước này đã quy định cụ thể về quyền cư trú và xem quyền này như một loại quyền hưởng dụng mới nhằm bảo vệ nhu cầu nhà ở cho một số nhóm người nhất định. Bản án trong vụ việc này dựa trên việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhóm cao tuổi, đồng thời, chứng minh đầy đủ chức năng an sinh xã hội. 

Song để trả lại công bằng cho anh Du, Giao, Hạ cần làm việc với nhau nhằm trả lại tiền nhà cho người mua nhà. Hoặc nếu không chấp nhận phương án này, anh Du buộc phải chờ cho đến khi thời hạn quyền cư trú kết thúc thì mới có quyền sinh sống trong căn nhà này.    

Thông qua vụ việc này, thẩm phán khuyên người mua nhà cần chú ý kiểm tra với cơ quan đăng ký bất động sản xem ngôi nhà họ định mua đã được đăng ký quyền cư trú hay chưa, để tránh tình trạng "ngôi nhà thuộc về mình, nhưng bạn không thể sống ở đó". 

Nguồn: The Paper

Theo Đinh Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật