Gia đình Manjhi sống ở khu làng Gehlour xa xôi thuộc Gaya, Bihar, miền Bắc Ấn Độ. Họ sống trong điều kiện không có điện, nước sạch, không có trường học hay bệnh viện.
Ngọn núi cao 100 mét nằm sát cạnh ngôi làng Gehlour là thứ cản trở họ có được những nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống hằng ngày.
Giống như tất cả những người đàn ông trong làng, Manjhi làm việc ở phía bên kia ngọn núi. Vào buổi trưa, vợ ông - bà Phaguni sẽ mang cơm đến cho chồng. Vì không có đường, họ phải đi vòng qua ngọn núi và chuyến đi lúc nào cũng mất khoảng vài tiếng.
Một buổi trưa, bà Phaguni bị vấp phải tảng đá và bị thương. Bình nước rơi xuống đất vỡ tan. Bà đến muộn với đôi chân khập khiễng. Ông giận bà vì đến muộn, nhưng khi nhìn thấy những giọt nước mắt của vợ, ông đã quyết định sẽ tự giải quyết vấn đề của mình.
Ông Manjhi mua một chiếc búa, một cái đục và một chiếc xà beng. Ông đã phải bán vài con dê để sắm những món dụng cụ đó.
Thế rồi, ông bắt đầu leo lên đỉnh và phá núi. Nhiều năm sau, ông kể lại: ‘Ngọn núi ấy đã cướp đi rất nhiều sinh mạng. Tôi không thể chịu được việc nó làm vợ tôi bị thương. Nếu tôi dùng cả cuộc đời mình để làm việc đó, sẽ có một con đường xuyên qua núi cho cả làng’.
Câu chuyện phá núi của ông Majihi bắt đầu được lan truyền. Ông bắt đầu công việc vào lúc sáng sớm, sau đó ông lại quay về làm việc trên cánh đồng cho ông chủ. Đến tối, ông lại tiếp tục công việc phá núi. Majihi hầu như không ngủ.
Chứng kiến quyết tâm của Majihi, dân làng dần nể phục và tôn trọng ông. Họ bắt đầu quyên góp đồ ăn cho gia đình ông. Cuối cùng, ông bỏ công việc kiếm cơm của mình để dành toàn bộ thời gian cho việc phá núi.
Một lần, bà Phaguni bị ốm. Bác sĩ thì ở bên kia ngọn núi, nhưng con đường từ nhà ông đến chỗ bác sĩ dài tới 75km. Không kịp đưa vợ tới bệnh viện, ông chấp nhận nhìn bà qua đời. Cái chết của người vợ khiến Majihi càng quyết tâm tiếp tục công việc của mình.
Nhiệm vụ này không hề dễ dàng. Ông thường xuyên bị thương do đá rơi xuống. Những lúc đó, ông sẽ nghỉ ngơi vài ngày rồi lại trở lại với công việc. Trong khi làm công việc này, ông nhận mang đồ cho mọi người từ bên này núi sang bên kia núi với một khoản tiền công nho nhỏ để nuôi con.
Sau 10 năm, một khe hở hẹp bắt đầu chia tách ngọn núi. Nhìn thấy công việc có kết quả, dân làng bắt đầu chung tay giúp Majihi.
22 năm sau, một con đường dài 120 mét, rộng 10 mét đã hiện ra. Từ đó, con đường đưa người dân tới bên kia ngọn núi rút ngắn chỉ còn 5km. Không những thế, người dân ở 60 ngôi làng khác thuộc Atri cũng sử dụng con đường này. Trẻ em chỉ phải đi bộ 3km để tới trường. Mọi người bắt đầu gọi ông là ‘Baba’ – có nghĩa là người đàn ông đáng kính.
Nhưng chưa dừng ở đó, Majihi bắt đầu gõ cửa các cơ quan công quyền để yêu cầu rải nhựa con đường và kết nối con đường này với con đường lớn.
Ông đã làm một việc không tưởng khác để thu hút sự chú ý của chính phủ Ấn Độ. Ông đi bộ suốt từ ngôi làng của mình tới thủ đô New Delhi. Ông nộp đơn thỉnh cầu để ngôi làng của ông có đường, bệnh viện, trường học và nước sạch.
Chính phủ trao tặng một mảnh đất cho Majihi vì những nỗ lực của ông, nhưng ông ngay lập tức hiến lại đất cho một bệnh viện.
‘Tôi không quan tâm tới những giải thưởng này, danh tiếng hay tiền bạc. Tất cả những gì tôi muốn là một con đường, một ngôi trường và một bệnh viện cho dân làng chúng tôi. Họ đã quá vất vả. Những thứ đó sẽ giúp ích cho những người phụ nữ và trẻ con trong làng’.
Tháng 8/2007, ông Manjhi phải chiến đấu với căn bệnh ung thư.
‘Tôi bắt đầu công việc này vì tình yêu dành cho vợ, nhưng tôi tiếp tục nó vì người dân. Nếu tôi không làm thì chẳng ai làm cả’ - ông chia sẻ.
Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)