"Người đàn bà khóc" tên thật là Henriette Théodora Markovitch, sinh năm 1907 ở Paris (Pháp) nhưng lớn lên ở Argentina do di cư cùng người bố làm kiến trúc sư. Mãi khi đã trưởng thành, bà mới trở về Paris để thực hiện niềm đam mê nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, có lẽ do quá đa tài mà cả cuộc đời Théodora loay hoay giữa hai nhánh vẽ tranh và chụp ảnh, rồi lại quá đa cảm nên đã tự giam mình trong mối quan hệ yêu đương "độc hại" với Picasso.
Tại kinh đô phồn hoa của nước Pháp, nhờ nhan sắc xinh đẹp và tài năng nghệ thuật thiên bẩm, cô gái trẻ đã nhanh chóng gặp gỡ với nhiều người bạn giỏi giang khác như Jacqueline Lamba hay Henri Cartier-Bresson - người về sau được mệnh danh là bậc thầy của nhiếp ảnh báo chí hiện đại.
Cả ba người họ theo học lớp vẽ nhưng Théodora đã sớm bỏ cuộc vì lúc ấy bị chiếc máy ảnh mê hoặc. Trong tác phẩm ảnh chân dung gây chấn động năm 1930, nàng tự chụp hình ảnh phản chiếu của mình trong gương. Khuôn mặt trái xoan hiện lên đầy ma mị không chỉ khiến giới mộ điệu lúc đó choáng ngợp mà người đời sau cũng phải tán dương không tiếc lời.
Cũng vào năm 1930, cô gái 23 tuổi đã quyết tâm theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh chuyên nghiệp, lấy nghệ danh là Dora Maar (rút gọn của tên thật Théodora Markovitch). Bà nhanh chóng khẳng định được tài năng của mình trong các tác phẩm nhuốm màu Siêu thực.
Sau này khi đã qua đời, các chuyên gia lịch sử nhiếp ảnh mới nhìn nhận rằng "Dora Maar là một luồng gió mới trong nhiếp ảnh quảng cáo và thời trang lúc bấy giờ". Tại sao ư? Vì lúc sinh thời, danh tiếng của bà đã chìm nghỉm từ khi bắt đầu quen biết đại danh họa Pablo Picasso.
Vào khoảng năm 1936, bên cạnh là cái tên mới nổi trong làng nghệ thuật Siêu thực, Dora còn nhận được nhiều lời mời chụp ảnh quảng bá phim. Trong một lần như vậy, bà đã gặp gỡ với Picasso lúc đó 54 tuổi. Danh họa còn không thèm chú ý đến cô gái trẻ xinh đẹp còn nàng đã phải lòng ông ngay từ ánh nhìn đầu tiên, cũng có thể do xuất phát từ sự ngưỡng mộ tài năng và danh tiếng của một bậc thầy hội họa.
Biết Picasso thường xuyên lui tới quán cà phê Les Deux Magots, Dora đã lên kế hoạch "cưa đổ". Theo nhà báo Jean-Paul Crespelle thường xuyên ngồi cả ngày ở quán này, ông hồi tưởng một nàng Dora với "khuôn mặt nghiêm nghị nhưng vẫn sáng bừng nhờ đôi mắt xanh nhạt - thậm chí còn nhạt hơn vì đôi lông mày sẫm; một khuôn mặt nhạy cảm với ánh nhìn sắc sảo. Cô ấy cứ vô thức đưa dao qua bàn tay của mình để mài xuống mặt bàn bằng gỗ. Thỉnh thoảng, cô bị trượt và rơi một vài giọt máu, điểm lên đôi găng tay đen thêu hoa hồng".
Về sau, Picasso nói rằng sự kiên định kì lạ của Dora Maar đã khiến ông hứng thú. Hai người sau đó cũng trò chuyện trực tiếp rồi hẹn hò với nhau. Picasso ưa thích Dora nói tiếng Tây Ban Nha như nàng vẫn làm hồi còn ở Argentina. Đồng thời, ông cũng ngưỡng mộ trí tuệ sắc bén và thái độ quyết tâm của Dora dành cho công việc.
Công việc ở đây - chính là ngồi hàng giờ liền để làm mẫu cho các bức vẽ của Picasso. Với mái tóc đen nhánh và đôi mắt phảng phất nỗi buồn sâu thẳm, Dora Maar đã trở thành nàng thơ nổi tiếng bậc nhất của Picasso và lúc nào cũng xuất hiện với vẻ ưu tư. "Với tôi, cô ấy là người đàn bà khóc. Suốt nhiều năm, tôi vẽ cô ấy trong khuôn hình chịu đựng giày vò - điều không đến từ sự ép buộc nhưng cũng không hẳn là tự nguyện - chỉ là tuân theo một hình dung trong đầu tôi. Và đó là một sự thật sâu sắc, không phải hời hợt" - theo lời danh họa.
Một chuyên gia nhận xét trên tờ BBC rằng: "Kể từ khi quen Dora Maar chính là một chương mới trong cuộc đời Picasso". Thật vậy, nếu thiếu nàng, đại danh họa đã không thể cho ra đời những tác phẩm vĩ đại của thế kỉ 20.
Nhưng hãy xem đại danh họa đã đối xử như thế nào với nàng thơ của mình? Ông dùng sức ảnh hưởng để buộc Dora phải từ bỏ sự nghiệp nhiếp ảnh, chuyển hướng sang vẽ tranh. Vì Picasso luôn nghĩ vẽ tranh mới là phương tiện thể hiện nội tâm tốt hơn, khăng khăng cho rằng "bên trong mỗi nhiếp ảnh gia đều có một họa sĩ muốn thoát ra". Trước người tình quá nổi tiếng mà mình luôn tôn thờ, Dora dần trở thành cái bóng thầm lặng nghe theo sự sắp đặt, chỉ còn biết rơi nước mắt trong tranh.
Thật ra, nỗi buồn của Dora hoàn toàn có lí do. Nàng từng tranh cãi gay gắt với cha mình về việc trở về Argentina, đau khổ khi mẹ đột ngột qua đời năm 1942 và người bạn thời thanh xuân - nữ họa sĩ Jacqueline Lamba phải chịu cảnh lưu đày. Cầm cọ màu theo ý muốn của Picasso, nhưng những gì Dora vẽ lên là nỗi buồn khắc khoải của bờ sông Seine: trầm tĩnh với tông màu nâu, xám và phản ánh một cuộc đời tù túng trầm mặc.
Không chỉ vậy, bất chấp nàng thơ của mình đầy nỗi u uất, Picasso vẫn tiếp tục vui vẻ bên một nhân tình khác là Marie-Thérèse Walter. Dora không bao giờ chấp nhận được sự phản bội này, tình hình chỉ ngày càng tồi tệ hơn khi Picasso hẹn hò với người đẹp trẻ trung nữa - Gilot. Năm 1945, Dora sau nhiều phen bị đối xử tệ bạc đã trở nên loạn trí, phải vào viện tâm thần. Thỉnh thoảng trong bệnh viện, nàng vẫn gặp tình nhân của mình trước khi cắt đứt liên lạc hoàn toàn vào 1 năm sau.
Thời gian sau này, Dora ngày càng xa lánh thế giới thực tại, trốn chạy vào tôn giáo và chủ nghĩa thần bí nhưng chưa bao giờ ngừng sáng tác. Suốt 25 năm kế tiếp, bà có một vài tác phẩm khá ấn tượng dù không gây tiếng vang như thời trẻ. Đồng thời Dora luôn từ chối các lời mời triển lãm, các tác phẩm chỉ được hé lộ với công chúng khi bà đã qua đời.
Picasso từng một lần mô tả rằng: "Tôi không bao giờ nhìn thấy cô ấy, không bao giờ tưởng tượng ra điều gì khác ngoài lúc cô ấy khóc". Tuy nhiên, điều đó chỉ tồn tại mãi mãi trong những tranh vẽ của ông. Còn Dora Maar - một nghệ sĩ đầy xúc cảm - có nhiều thứ để người ta nhớ tới hơn là những giọt nước mắt u buồn.
Theo Đạt Lê (Helino)