Nhân chứng cho biết thời điểm xảy ra vụ việc, nạn nhân Jordan Neely cư xử bất thường. Video do nhà báo Juan Alberto Vazquez đăng tải trên Facebook cho thấy Neely bị nhiều hành khách ghìm xuống, chân đạp mạnh.
Thủ phạm kẹp cổ Neely không được công bố danh tính, nhưng được miêu tả là một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, 24 tuổi. Người này dùng tay kẹp cổ Neely và kẹp chân quanh người anh. Neely bất tỉnh trong lúc giằng co và sau đó tử vong tại bệnh viện.
Nạn nhân qua đời do áp lực lên cổ, cơ quan pháp y thành phố New York tuyên bố hôm 03/05.
Tin tức về cái chết của Neely lan truyền trên mạng xã hội gây ra nhiều phản ứng trái chiều từ người dân New York và các quan chức. Một số ý kiến cho rằng đây là phản ứng thái quá đối với người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, trong khi những người khác bảo vệ hành vi của cựu lính thủy đánh bộ.
Một nhóm người biểu tình tụ tập tại ga tàu nơi Neely tử vong để kêu gọi bắt giữ thủ phạm. Kyle Ishmael, 38 tuổi, sống tại Harlem, cho biết video vụ việc khiến anh cảm thấy "ghê tởm".
"Tôi không tin nổi điều này xảy ra ở ga tàu điện ngầm của thành phố mà tôi đã lớn lên," Ishmael nói.
Video ghi lại vụ việc cho thấy một giọng nói kêu gọi báo cảnh sát. Neely khi đó cố gắng đẩy một hành khách khác đang giữ tay anh. Cựu lính thủy đánh bộ đã kẹp cổ Neely khoảng 2 phút 55 giây.
Trên tờ New York Times, Vazquez cho biết Neely đã la hét các hành khách khác khi anh lên tàu. Nhà báo này mô tả sự việc "rất căng thẳn", không ai biết Neely sẽ hành xử như thế nào.
"Tôi không có thức ăn, tôi không có nước uống, tôi đã chán lắm rồi. Tôi không ngại vào tù, lãnh án chung thân. Tôi sẵn sàng chết rồi," Vazquez kể lại lời nói của Neely.
Cảnh sát sau đó đã bắt giữ người kẹp cổ Neely, nhưng sau đó trả tự do cho anh này mà chưa truy tố. Danh tính của người này cũng không được công bố.
The Guardian dẫn lời phát ngôn viên sở cảnh sát New York cho biết cuộc điều tra "vẫn đang tiếp diễn".
Linh Giang (SHTT)