Người "cứu thế giới khỏi chiến tranh hạt nhân" qua đời

19/09/2017 11:30:00

Một cựu sĩ quan của quân đội Liên Xô, người từng ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân vào thời chiến tranh lạnh, đã qua đời ở tuổi 77.

Một cựu sĩ quan của quân đội Liên Xô, người từng ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân vào thời chiến tranh lạnh, đã qua đời ở tuổi 77.

Hành động của ông, được đưa ra ánh sáng vào năm 1998, có thể đã giúp ngăn chặn một cuộc chiến hạt nhân. Ông Petrov qua đời tại nhà ở TP Moscow từ ngày 19-5 nhưng thông tin về cái chết của ông mới được biết đến rộng rãi vào tháng này nhờ một cuộc điện thoại tình cờ.

Nhà làm phim người Đức Karl Schumancher, người đầu tiên công bố câu chuyện của ông Petrov với khán giả quốc tế, đã gọi điện chúc mừng sinh nhật ông vào ngày 7-9 và được con trai ông thông báo rằng người cựu sĩ quan đã qua đời.

 Ông Stanislav Petrov. Ảnh: David Hogsholt

Ông Stanislav Petrov. Ảnh: David Hogsholt

Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC vào năm 2013, ông Petrov kể lại tình huống nhận được nhiều báo cáo từ máy tính vào sáng sớm 26-9-1983 cho thấy 5 quả tên lửa hạt nhân của Mỹ đã được phóng đi.

"Tôi có tất cả mọi dữ liệu về một cuộc tấn công tên lửa. Nếu tôi gửi báo cáo cho cấp trên, sẽ không có ai phủ nhận nó. Tất cả những gì tôi cần phải làm là lấy điện thoại rồi quay số cho chỉ huy nhưng tôi không thể làm thế." - ông Petrov hồi tưởng.

Vì đoán rằng Mỹ phải phóng hàng trăm tên lửa nếu có cuộc tấn công thật nên ông Petrov quyết định rằng đây chỉ là một sự cố máy tính. Thay vì liên lạc với điện Kremlin ngay lập tức, ông Petrov lại gọi cho sĩ quan chỉ huy tại trụ sở quân đội và báo cáo hệ thống gặp lỗi. Nếu như người cựu sĩ quan nhận định sai lầm, vụ nổ hạt nhân đầu tiên có thể diễn ra trong vài phút sau đó.

"23 phút trôi qua và tôi nhận ra rằng chẳng có gì xảy ra cả. Nếu có một cuộc tấn công thật sự thì tôi đã biết về nó. Quả là một cảm giác nhẹ nhõm" - ông Petrov nhớ lại. Một cuộc điều tra sau đó kết luận rằng các vệ tinh của Liên Xô đã nhầm lẫn ánh mặt trời phản chiếu trên các đám mây thành động cơ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Mặc dù được đồng nghiệp chúc mừng và cấp trên khen ngợi, hành động của ông Petrov lại không được khen thưởng.

Một năm sau đó, ông quyết định về hưu sớm và chuyển đến sống ở ngoại ô Moscow.

Theo Bảo Hạnh (Nld.com.vn)

Nổi bật