Vụ thảm sát hoàng gia rúng động thế giới
Vụ thảm sát hoàng gia Nepal xảy ra vào ngày 1/6/2001, tại một ngôi nhà nằm trong khuôn viên của Cung điện hoàng gia Narayanhity. Vào buổi tối định mệnh ấy, một cuộc họp gia đình đã diễn ra chủ yếu bàn về vấn đề kết hôn của Thái tử Dipendra, vấn đề gây căng thẳng giữa Thái tử và Nhà vua Birendra trong nhiều tháng qua.
Khoảng 23h đêm cùng ngày, tiếng súng nổ liên tiếp vang lên, đức vua Birendra là người đầu tiên ngã xuống sàn, máu chảy khắp nơi. Hai con gái của nhà vua là công chúa Shruti và em gái, công chúa Shobhi, chạy tới bên vua cha và cũng bị bắn. Shruti bị chết ngay tại chỗ, trong khi Shobhi may mắn sống sót.
Theo tờ Nepali Times, trong những người xấu số vào buổi tối định mệnh ấy, ngoài vua Birendra, công chúa Shruti còn có Hoàng hậu Aishwarya, Hoàng tử Narajan, công chúa Shanti, anh trai vua Birendra, hai em gái của nhà vua và em rể đức vua, Kuma Khadga bị sát hại. Tổng cộng có 9 người trong hoàng tộc thiệt mạng sau vụ nổ súng kinh hoàng trong đêm.
Hai ngày sau vụ thảm sát, hầu hết các thành viên trong gia đình hoàng tộc Nepal, các quan chức Nepal vẫn chưa đưa ra được lời giải thích ai là người thực sự phải chịu trách nhiệm. Thái tử Dipendra (lúc này cũng bị thương đang nằm viện để điều trị) trở thành vua và chú của ông, hoàng thân Gyanendra, được chỉ định làm nhiếp chính.
Tuy nhiên, Thái tử Dipendra đã qua đời chỉ vài ngày sau khi lên ngôi vua. Không khí tang thương và hoang mang bao trùm lên khắp Nepal lúc bấy giờ. Chưa bao giờ đất nước Nepal rơi vào tình trạng rối loạn như vậy. Một số người đụng độ với cảnh sát bên ngoài cung điện. Những người khác chặn dòng xe cộ, hét vang đòi sự thật.
Chất chứa hơi men whisky, ngà ngà thuốc lá tẩm thuốc phiện, kẹt giữa tình yêu và trách nhiệm, chính là Thái tử Nepal Dipendra bắn chết cả gia đình mình. Đó là câu trả lời chính thức của ủy ban điều tra vụ thảm sát, được đưa ra ngày 14/6/2011. Kết luận này đã khiến tất thảy người dân Nepal chết lặng vì quá bất ngờ. Nguyên nhân được xác định là do Thái tử bị gia đình phản đối kết hôn với người con gái mà mình lựa chọn.
Dipendra là con cả của Quốc vương Birendra quá cố và được thụ phong Thái tử tháng 1/1972, chỉ 6 tháng sau khi ra đời. Cũng như vua cha, Thái tử Dipendra đã từng du học ở Anh tại Đại học Eton.
Người con gái tài sắc vẹn toàn
Devyani Rana chính là cô gái khiến Thái tử Dipendra si tình đem lòng yêu thương, dám đứng lên chống lại gia đình và sát hại cả cha mẹ mình. Devyani Rana sở hữu nhan sắc chim sa cá lặn, được sinh trưởng trong một gia đình danh giá.
Devyani Rana là con gái của một công nương ở Ấn Độ, có bố là cựu Bộ trưởng Tài chính Pashupati Shumshere Rana và cụ là cựu Thủ tướng Bahadur Rana. Bà từng theo học tại trường Đại học Kinh tế London, làm việc cho một số tổ chức quốc tế.
Theo giới truyền thông, Thái tử Dipendra đã có một cuộc tình lãng mạn, đẹp đẽ với Devyani Rana trong một thời gian khá dài (10 năm). Hai người rất yêu nhau và nguyện gắn bó với nhau đến suốt cuộc đời. Tuy nhiên, tình yêu của họ thật trái ngang khi giữa hai dòng họ Rana (của Devyani Rana) với dòng họ Shah (của Thái tử Dipendra) có mối thâm thù từ trước.
Bất chấp sự ngăn cản và phản đối gay gắt của Vua cha và hoàng hậu, Thái tử Dipendra đã bí mật đính hôn với Devyani Rana. Sau khi sự việc này bị bại lộ cũng là lúc cuộc thảm sát kinh hoàng xảy ra.
Sau hơn 5 năm "mất tích", tên tuổi của Devyani Rana lại được nhắc đến trên truyền thông khi bà kết hôn với Ashwarya Singh, cháu nội của một thành viên trong nội các trước đây, một trong những gia đình danh giá hàng đầu ở Ấn Độ vào năm 2007.
Được biết, hôn lễ đã được tổ chức tại trang trại của ông Arjun Singh ở Bijwasan, Ấn Độ. Sau khi kết hôn, bà từng có thời gian làm việc cho Liên Hợp Quốc.
Bẵng đi một thời gian dài, người phụ nữ sinh năm 1973 này lại được giới truyền thông nhắc đến trong vai trò là một người phụ nữ hoạt động chính trị, gia nhập đảng của cha mình ở Nepal vào năm 2017.
Cho đến nay, cuộc sống của bà vẫn là một điều bí ẩn đối với công chúng. Chỉ biết rằng sau thảm kịch đẫm máu năm nào, bà Devyani vẫn tiếp tục sống kiên cường và làm những việc có ích cho cộng đồng, xã hội.
Theo Diệp Lục (Helino)