Người có ảnh hưởng ở Trung Quốc bị vạch mặt là kẻ lừa đảo khi đóng giả lính Nga sang Ukraine chiến đấu

26/06/2023 09:19:25

Người dân Trung Quốc mới đây đã vô cùng bức xúc khi một KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) bị vạch mặt là kẻ lừa đảo chỉ vì người này tự xưng đang là một quân nhân Nga tham chiến ở Ukraine.

Người có ảnh hưởng ở Trung Quốc bị vạch mặt là kẻ lừa đảo khi đóng giả lính Nga sang Ukraine chiến đấu
Một KOL ở Trung Quốc tự xưng là một người lính Nga chiến đấu ở Ukraine đã bị vạch mặt là một kẻ lừa đảo. Ảnh: SCMP

Theo trang HK01, KOL trên được biết đến với nickname Pavel Korchatie, người có hơn 380.000 lượt theo dõi trên trang cá nhân. Trên trang Douyin của mình, người này đã chia sẻ bằng tiếng Quan thoại (ngôn ngữ địa phương ở Trung Quốc - PV) những kinh nghiệm chiến đấu mà bản thân đã “tận mắt” chứng kiến.

Các video của KOL này thường bắt đầu bằng câu chào theo tiếng Quan Thoại: “Xin chào những người bạn đến từ Trung Quốc.” Tiếp theo đó là những câu chuyện cá nhân của anh này trong những cuộc chiến khiến nhiều người hâm mộ bày tỏ sự cổ vũ đối với lực lượng quân đội Nga, SCMP đưa tin.

Trong một bài đăng video của mình, người đàn ông này cũng khoe rằng anh đã bắt được nhiều tù binh người Ukraine khi cư dân mạng thấy anh này đang đứng trước một nhà máy điện.

“Chúng tôi đang ở trong một cuộc chiến sống còn với quân đội Ukraine.” Người đàn ông cho biết.

Ngoài ra, người đàn ông thậm chí còn khoe khoang rằng mình từng chiến đấu với quân đội Mỹ, thậm chí chính anh ta còn bắn rơi máy bay không người lái của quân đội nước này.

“Chúng tôi đã cho nổ tung xe tăng của kẻ địch, để xem bọn chúng còn dám ra vẻ nữa không?” Người này chế nhạo.

Khi đã thu hút được nhiều fan hâm mộ hơn, người này bắt đầu chuyển sang kinh doanh trực tuyến trên Douyin với việc buôn bán các sản phẩm có xuất xứ từ Nga như mật ong, bia và rượu Vodka. Với lượng fan của mình, người này nhanh chóng thu được khoảng 200 đơn đặt hàng dưới bài đăng video.

Người có ảnh hưởng ở Trung Quốc bị vạch mặt là kẻ lừa đảo khi đóng giả lính Nga sang Ukraine chiến đấu - 1
Kẻ mạo danh luôn sử dụng tiếng Quan Thoại, một ngôn ngữ địa phương, để khoe thành tích chiến đấu ở Ukraine. Ảnh: Weibo.

Tuy nhiên, ít lâu sau đó, cư dân mạng Trung Quốc bắt đầu nhận ra người đàn ông đã nói dối khi phân tích đoạn video và tố cáo anh này sử dụng những hiệu ứng để làm giả máy bay chiến đấu của Nga nhằm mục đích quảng cáo và bán hàng trực tuyến. Đa số những bằng chứng mà cư dân mạng đưa ra đều rất thuyết phục.

Cụ thể, địa chỉ IP mà người này sử dụng đều chỉ về hướng tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Người này cũng sử dụng tiếng Quan Thoại với chất giọng đúng với người dân tỉnh Hà Nam.

Cư dân mạng cũng phát hiện ra rằng, nhà máy điện hạt nhân được cho là của Ukraine xuất hiện trong video hóa ra lại là một nhà máy điện ở Lạc Dương, một thành phố ở Hà Nam và những chiếc xe xuất hiện trong video có biển số Trung Quốc đại lục.

Sau khi bị lộ tẩy, người đàn ông đã vội đổi tên tài khoản của mình thành “Wang Kangmei”, nghĩa là “Vương chống Mỹ”, và trong tiểu sử tài khoản của mình, người này đã tự phong mình là “Người trên tuyến đầu chống Mỹ”. Tất cả nhằm tiếp tục khai thác tinh thần chủ nghĩa dân tộc nhằm thu hút thêm lượng người theo dõi.

Tuy nhiên, Douyin ngay sau đó đã cấm tài khoản của anh ấy hôm 16/6 vừa qua vì người này đã đưa những thông tin sai lệch lên mạng xã hội.

Mặc dù vậy, KOL này cũng đã lừa được rất nhiều người nhẹ dạ cả tin khi gửi những lời nhắn bày tỏ sự hâm mộ như: “Chào người anh hùng, hãy giơ ngón cái lên nào?”, hoặc “Anh ấy nói tiếng Trung giỏi quá.”

Người có ảnh hưởng ở Trung Quốc bị vạch mặt là kẻ lừa đảo khi đóng giả lính Nga sang Ukraine chiến đấu - 2
Tài khoản với hơn 380.000 lượt theo dõi của người đàn ông Trung Quốc sau đó đã bị cấm sử dụng. Ảnh: Weibo.

Một số cư dân mạng sau vụ việc đã yêu cầu cần kiểm duyệt nội dung tốt hơn trên nền tảng mạng xã hội để tránh những trường hợp lừa đảo như trên.

“Sau khi xem lại những video của anh ấy, ai có thể tin nổi rằng một người nói giọng Hà Nam lại là một người lính Nga cơ chứ.” Một người bình luận.

Ngoài ra một số người cũng lo ngại những trò lừa đảo của người này có thể gây ra những hậu quả to lớn về mặt chính trị”.

“Với việc tuyên bố đã bắt được lính Mỹ, người này không khác gì đang tố cáo lính Mỹ đang trực tiếp tham gia vào cuộc chiến ở đó. Hắn ta có lường được những hậu quả trong lời nói của mình hay không?” Một cư dân mạng bức xúc.

Trường hợp như người đàn ông nói trên cũng không phải là duy nhất khi đã có một vài trường hợp tương tự muốn đóng giả hình ảnh những người nước ngoài nổi tiếng.

Vào năm 2022, nhiều cư dân mạng đại lục đã bày tỏ sự nghi ngờ với một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội với biệt danh “Nana của nước Nga”. Người này bị tố là đã đóng giả một phụ nữ Nga bằng cách sử dụng công nghệ đóng giả khuôn mặt.

Theo SCMP, người này sau đó đã thu hút được hơn 2 triệu lượt người theo dõi trên mạng xã hội để từ đó thúc đẩy việc kinh doanh online của mình.

QT (SHTT)

Nổi bật