Mặc dù tình trạng phụ nữ Afghanistan phục vụ công việc cộng đồng luôn tiềm ẩn nguy hiểm, nhưng sự gia tăng bạo lực trên khắp đất nước gần đây đã khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Khatera, nữ cảnh sát Afghanistan 33 tuổi đang phải trải qua đau đớn về thể xác và niềm tin sau khi mất đi ánh sáng. Điều không ngờ, người đứng đằng sau chuyện này lại là cha ruột của cô gái.
Khatera, hiện là nữ cảnh sát ở tỉnh Ghazni, Afghanistan. Một ngày nọ, cô bị 3 người đàn ông chạy xe mô tô dùng súng bắn và dùng dao đâm vào mắt cô. Lúc tỉnh dậy trong bệnh viện, cô không còn nhìn thấy gì.
Nguyên nhân được cho là cha phản đối kịch liệt việc con gái ra ngoài làm việc nên đã liên hệ với Taliban để khủng bố cô.
"Tôi hỏi bác sĩ, tại sao tôi không nhìn thấy gì? Họ nói rằng mắt tôi bị thương nên cần băng bó. Nhưng ngay lúc đó, tôi biết rằng mình sẽ không còn nhìn thấy ánh sáng được nữa", Khatera tâm sự.
Đối với Khatera, cuộc tấn công không chỉ khiến cô mất đi cơ hội nhìn thấy ánh sáng mà còn mất đi ước mơ có sự nghiệp độc lập mà cô đấu tranh bấy lâu nay để đạt được. Sau nhiều năm cố gắng thuyết phục cha mình nhưng không có kết quả, cuối cùng cô cũng có thể tìm được sự ủng hộ từ chồng mình.
Cô chia sẻ: "Tôi ước mình có thể phục vụ trong ngành cảnh sát ít nhất 1 năm. Nếu điều này xảy ra với tôi sau đó, tôi sẽ bớt đau đớn hơn nhưng nó xảy ra quá sớm".
"Nhiều lần đi làm, tôi thấy cha đi theo, ông ấy bắt đầu liên lạc với Taliban ở khu vực gần đó và yêu cầu họ ngăn cản việc tôi đi làm", nữ cảnh sát nói thêm.
Cô cho biết cha cô đã cung cấp cho Taliban bản sao thẻ căn cước của cô để chứng minh cô làm việc cho cảnh sát. Vào ngày cô bị tấn công, chính cha ruột đã liên tục tục gọi để tra hỏi vị trí của con gái mình.
Người phát ngôn của cảnh sát Ghazni xác nhận rằng họ cũng tin rằng Taliban đứng sau vụ tấn công và cha của Khatera đã bị bắt. Một phát ngôn viên của Taliban cho biết họ đã nắm bắt vụ việc, nhưng đó là vấn đề gia đình của Khatera và họ không hề có liên quan.
Khatera và 5 anh chị em, hiện đang trốn ở Kabul, nơi cô điều trị mắt. Cô cũng không liên lạc với gia đình, bao gồm cả mẹ cô - người đổ lỗi cho Khatera về việc cha cô bị cảnh sát bắt. Khatera hy vọng rằng bác sĩ ở nước ngoài có thể giúp cô phục hồi một phần thị lực.
Cô bộc bạch: "Nếu thị lực của tôi có thể hồi phục, tôi sẽ tiếp tục công việc của mình và phục vụ trong ngành cảnh sát với lý do chính là tôi muốn được ra ngoài làm việc".
Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, cuộc tấn công vào Khatera là dấu hiệu cho thấy xu hướng phản ứng dữ dội và bạo lực đang gia tăng đối với những người phụ làm việc trong vai trò công ích.
Samira Hamidi, nhà vận động Afghanistan của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: "Những bước tiến lớn về quyền phụ nữ ở Afghanistan trong hơn một thập kỷ qua không nên bị ảnh hưởng bởi bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Taliban".
Theo Nguyên Anh (Nguoiduatin.vn)