Từ thời Trung cổ tới nay, con người đã sáng tạo ra hàng loạt biện pháp tra tấn với nhiều cấp độ dã man khác nhau, phần lớn được sử dụng với các tù nhân phạm tội nghiêm trọng. Xã hội văn minh hiện đại đã dần đẩy lui được phần nào và tiến tới hoàn toàn xóa bỏ hành động này, thế nhưng lịch sử sẽ không bao giờ có thể quên được một hình thức tra tấn dã man từng tồn tại - hình thức tra tấn không đau đớn mang tên "ngục trắng".
"Ngục trắng" là gì?
Trên thực tế, "ngục trắng" là một hình thức biệt giam, không khác gì các buồng tối ở nhiều nhà ngục dùng để quản chế các tù nhân cứng đầu khác. "Ngục trắng" - tên gốc là "White Torture (tra tấn trắng) - đơn giản chỉ là đem một tù nhân cần trừng phạt nhốt vào một căn buồng lớn màu trắng, căn buồng này hoàn toàn không có gì khác ngoài tuyền một màu trắng lạnh lẽo, hoàn toàn cách âm với thế giới bên ngoài.
Tại đây, mỗi tù nhân thường bị biệt giam từ vài ngày tới 1 tháng. Trong khoảng thời gian này, các tù nhân sẽ sống trong một môi trường như thể bị cắt ra khỏi thế giới, với trần nhà, tường, sàn màu trắng; màu trắng này lại càng trở nên nhức nhối khi có ánh đèn chiếu từ phía sau với cường độ 24/24, thành ra có muốn chợp mắt để nghỉ ngơi cũng khó.
Không có nhiều tài liệu nói về việc tiếp tế và vệ sinh cá nhân trong căn phòng này, hầu hết chỉ đề cập tới việc người tù bị bỏ mặc trong không gian lạnh lẽo chỉ có màu trắng kể trên. Tuy nhiên một số nguồn tin cho rằng các tù nhân sẽ được cho ăn những thức ăn cũng chỉ có màu trắng (cơm, súp v.v...), đi vệ sinh qua một túi giấy màu trắng được nhét qua khe cửa. Ngay đến các nhu yếu phẩm này cũng được bảo vệ đem đến khi đang đi dép lót bông không gây tiếng bước chân, thành thử người bị giam bị cô lập hoàn toàn trong trạng thái như khiếm thính, mắt chỉ thấy đúng một màu trắng lạnh lẽo, cô đơn.
Biện pháp tra tấn trắng này hoàn toàn không gây ra các đau đớn hay thương tổn về mặt thể xác, thế nhưng kể từ khi bắt đầu được áp dụng rộng rãi tại các nhà tù Anh quốc, Iran, Nam Mỹ và Mỹ thì nó đã khiến nhiều tù nhân gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, dẫn tới ảo giác và những cảm xúc tiêu cực, muốn tự tử.
Tại sao "ngục trắng" lại khiến người ta hóa điên?
Nhiều người thường có suy nghĩ đơn giản rằng "không đau thì không sao", rằng nếu bị giam trong bóng tối thì mới sợ chứ nếu căn phòng màu trắng thì chẳng có gì là đáng ngại cả. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh tuy màu trắng đem lại cảm giác mát lành và cân bằng cảm xúc, thế nhưng nhìn lâu vào màu trắng dễ khiến thị giác bị mệt mỏi dẫn đến ức chế. Cảm xúc của người bị giam sẽ nhanh chóng chuyển sang cô đơn lạnh lẽo, dần dẫn tới trầm cảm nặng nề và phát sinh các suy nghĩ tiêu cực.
Cách thức tiến hành biệt giam trắng cũng dã man ở chỗ, nhà ngục bị cách âm hoàn toàn làm tù nhân không cảm nhận được cuộc sống bên ngoài như thế nào. Việc bị cắt đứt liên lạc với thế giới sẽ khiến chỉ một vài ngày bị giam (trong một căn phòng không có gì để làm) kéo dài như hàng năm trời. Sau đó, các tù nhân sẽ được quản ngục thả ra để khai thác thông tin, giờ đây, tâm trí của họ đã trở nên suy yếu, người khảo cung sẽ dễ dàng lấy được những điều cần biết.
Hầu hết các tù nhân từng chịu hình thức biệt giam "ngục trắng" đều gánh chịu những vết thương tinh thần ám ảnh kéo dài, thậm chí tới hết đời. Họ thường mắc thêm chứng sợ màu trắng và sợ không gian kín, đồng thời mắc phải bệnh mất ngủ kinh niên. Một trong số các tù nhân nổi tiếng nhất từng chịu đựng sự hành hạ của "ngục trắng" là Amir Fakhrava - anh này đã phải chịu hình phạt trên trong 8 tháng ròng rã tại Iran trước khi được Tổ chức ân xá quốc tế cứu thoát khỏi một nhà tù ở Iran. Trả lời phỏng vấn về cơn ác mộng này, Amir từng nói rằng đó là quãng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời anh, rằng anh thậm chí đã quên mất cả gương mặt cha mẹ đẻ, và sau khi ra tù thì không còn là một con người bình thường nữa.
Theo Nam Thanh (Helino)