Ngôn ngữ cơ thể của Trump tại G20

29/06/2019 17:27:43

Các lãnh đạo chụp ảnh trước khi bắt đầu phiên họp G20

Chuyên gia ngôn ngữ cơ thể cho rằng Trump cảm thấy mình là "ngôi sao" của sự kiện và luôn cố thể hiện thế chủ động trước các lãnh đạo khác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/6 dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật. Khi tiến vào khu chụp ảnh chung với các lãnh đạo khác, ngôn ngữ cơ thể của Trump cho thấy ông tin rằng mình là người quan trọng nhất tại sự kiện, theo chuyên gia Judi James.

"Trump và Putin từ từ tiến vào khi các lãnh đạo khác đã đứng vào vị trí, khiến họ trông giống như ngôi sao của sự kiện", bà nói. Bước tới vị trí của mình, Trump bắt tay Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman khá mạnh. Thái tử vỗ hai lần lên mu bàn tay của Trump như một cử chỉ để tránh rơi vào thế bị động.

Tổng thống Mỹ sau đó thể hiện phong cách ngoại giao "không theo quy chuẩn" khi đề nghị Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đấm tay thay vì cú "bắt tay ba bên". Đề xuất của Trump đã khiến nhiều người trong khán phòng bật cười.

Ngôn ngữ cơ thể của Trump tại G20
Tổng thống Mỹ Trump (phải), Thủ tướng Nhật Abe Shinzo (giữa) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đấm tay tại G20 ở Osaka. Ảnh: Reuters.

Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiến đến chào hỏi, Trump không bắt tay theo cách thường mà nắm lấy hai tay của ông Macron và liên tục kéo giật. Trước khi bắt đầu một phiên họp, ông Macron còn thì thầm với Trump.

"Macron dường như rất thích thể hiện mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Mỹ và ông ấy làm vậy thường xuyên nhất có thể", James nói. Việc Marcon thì thầm với Trump cũng là cách để ông ấy nói với mọi người "Trump là bạn thân của tôi".

Tuy nhiên, James cho rằng hành động thì thầm trước mặt người khác có thể bị coi là mất lịch sự vì khiến mọi người xung quanh cảm thấy họ là người ngoài cuộc, thậm chí còn khiến một số người lo ngại họ đang bị nói xấu.

Ngôn ngữ cơ thể của Trump tại G20 - 1
Tổng thống Pháp Macron nói thầm với Tổng thống Mỹ Trump tại G20 Nhật Bản ngày 28/6.

James cho rằng Trump đã ứng xử khéo léo khi không để lộ cảm xúc khi nghe lời thì thầm của Macron. "Trump nghiêng người và lịch sự lắng nghe, biểu cảm khuôn mặt của ông ấy không thay đổi khiến người khác không thể đoán được liệu ông đang nghe một câu nói đùa hay lời mỉa mai người khác", James nói thêm.

Tại cuộc họp với Tổng thống Nga Putin, Trump có kiểu bắt tay quen thuộc là giật mạnh tay đối phương về phía mình. Ông muốn thể hiện mình có cả sức mạnh thể chất và uy quyền vượt trội. Trong khi đó, ánh mắt nhìn chằm chằm của Putin vào Trump dường như thể hiện ông sẵn sàng "đấu" với lãnh đạo Mỹ.

Ngôn ngữ cơ thể của Trump tại G20 - 2
Tổng thống Mỹ Trump (phải) và Tổng thống Nga Putin tại hội nghị G20 ở Nhật ngày 28/6.

Khi ngồi xuống trò chuyện, cả hai lãnh đạo đều dạng chân. Thay vì ngả lưng ra ghế, Putin thể hiện hình ảnh ôn hòa hơn khi nghiêng người về phía trước, hai tay đặt giữa hai chân.

Khi một phóng viên hỏi Trump liệu ông có yêu cầu Nga không can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2020 hay không, Trump trả lời "tất nhiên tôi sẽ làm vậy". Sau đó ông quay sang phía Putin, cười và nói "đừng can thiệp vào cuộc bầu cử" theo kiểu bông đùa, giống như ông nói vậy chỉ để các phóng viên vừa lòng. Putin có vẻ cảm thấy tình huống này khá hài hước.

"Ông ấy không nhìn vào mắt Tổng thống Nga", James nói, "nhưng người Trump đổ về phía trước, cho thấy ông ấy thích thú với tình huống này. Vì vậy, ông ấy chỉ tay (không chỉ thẳng vào Putin) và lặp lại câu nói".

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)

Nổi bật