Hằng năm vào dịp Tết Nguyên Đán, làng Nuanquan, huyện Yu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc lại tổ chức lễ hội Da Shuhua. Trong cái lạnh tới đóng băng, những người đàn ông của làng này sẽ tắm mình trong cơn mưa kim loại nóng chảy.
Làng Nuanquan có dân số khoảng 20.000 người. Tổ tiên của họ là những người thợ rèn.
Da Shuhua (hoa nở trên cây) là lễ hội đã tồn tại ở làng Nuanquan suốt 500 năm qua. Lấy cảm hứng từ tàn lửa rực rỡ trong các lò rèn, những người đàn ông trong làng Nuanquan sẽ nung kim lại đến hơn 1.000 độ C cho nóng chảy rồi hất mạnh chất lỏng lên một bức tường đá lớn. Kim loại nóng chảy va vào tường sẽ bắn tung tóe như pháo hoa, còn những người đàn ông biểu diễn thì tắm mình trong cơn mưa lửa bên dưới.
Phong tục này do những người thợ rèn đầu tiên của làng Nuanquan sáng tạo. Vì nghèo túng, không có tiền mua pháo hoa như người giàu trong năm mới, họ đã tự sáng tạo ra loại “pháo hoa” đặc biệt cho riêng mình.
Vẻ đẹp khi kim loại nóng chảy bắn tung tóe và sự mạo hiểm của người đàn ông làng Nuanquan khiến phong tục “tắm lửa” trở nên nổi tiếng không chỉ ở Trung Quốc mà còn thế giới.
Mỗi dịp cuối năm, dân làng Nuanquan lại thu gom tất cả kim loại phế liệu để tổ chức “pháo hoa cho người nghèo”. Một số kim loại khác có màu khác lạ khi nóng chảy cũng được sử dụng để tạo hiệu ứng đẹp mắt cho “pháo hoa” của làng Nuanquan. Những người đàn ông trình diễn “pháo hoa” ở làng Nuanquan thường mặc đồ bảo hộ rất dày, làm băng da cừu.
Nhiệm vụ của họ là dùng một chiếc muôi gỗ lớn, đã được ngâm nước trong 3 ngày và hất thật mạnh kim loại nóng chảy lên đá. Công việc này chỉ dành cho những người khỏe mạnh.
Những người đàn ông “tắm lửa” thường là thợ rèn lành nghề. Họ phải luyện tập kỹ năng hất kim loại lên tường trong suốt cả năm. Chưa có vụ tai nạn hay bỏng nào trong lễ Da Shuhua. Điều này chủ yếu đến từ kỹ năng thành thục của người biểu diễn.
Đức minh (nguoiduatin.vn)