Tuần trước, Luong Thi Tu, 22 tuổi, kéo theo vali lê bước trên đường phố Tokyo để tìm nơi trú tạm qua đêm. Cô bị một khách sạn ở phía bắc Tokyo sa thải và bị buộc phải rời khỏi ký túc xá đang ở.
Giữa đêm tối, trong lúc đang không biết đi đâu về đâu, Tu đã gặp cô Jiho Yoshimizu, thành viên một nhóm hỗ trợ lao động Việt Nam, đang đứng vẫy tay ở cổng một ngôi nhà 3 tầng.
Nhưng đây không phải là một ngôi nhà bình thường, mà đó chính là chùa Nisshinkutsu, nơi tá túc của nhiều lao động trẻ người Việt, một trong những nhóm lao động bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch Covid-19.
"Tôi cảm thấy biết ơn vì được ở lại đây", Tu nói sau khi bước vào chùa.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên chùa Nisshinkutsu trở thành mái ấm tạm thời cho các lao động Việt. Còn nhớ năm 2011, chùa Nisshinkutsu cũng tiếp nhận nhiều người Việt mất nhà cửa trong thảm họa động đất - sóng thần ở miền Bắc Nhật Bản.
Ngày thường, công việc của các sư cô ở chùa là làm lễ cầu siêu cho người chết. Nhưng trong tình hình hiện tại, họ chuyển sang phân phát các gói hàng cứu trợ và mở rộng cửa giúp đỡ những người Việt gặp khó khăn, theo hãng tin Reuters.
"Chúng tôi làm mọi thứ. Chúng tôi chăm sóc cho con người từ khi họ ở trong bào thai cho đến khi họ ở trong lọ tro cốt", Yoshimizu, người đứng đầu Nhóm Hỗ trợ Cùng tồn tại Nhật - Việt, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở ngoài chùa, cho hay.
Năm 2019, Yoshimizu cho biết đã tiếp nhận khoảng 400 trường hợp, nhưng từ tháng 4, con số tăng mạnh. Hiện cô nhận 10-20 tin nhắn mỗi ngày, tất cả đều là người Việt trên khắp Nhật Bản xin được giúp đỡ.
Tại ngôi chùa này, người lao động Việt được học tiếng Nhật, nấu ăn, tìm việc làm hoặc tìm cách mua vé máy bay về nhà.
Theo một thống kê chính thức, năm 2019, số lượng lao động Việt Nam tại Nhật là 410.000, tăng 24,5% so với năm trước. Tìm kiếm công việc ở nước ngoài với hy vọng có mức thu nhập cao hơn, nhiều người chấp nhận nợ nần với nhà tuyển dụng, bên môi giới. Họ trở thành những đối tượng dễ tổn thương trong đại dịch.
Thiên Bình (Nguoiduatin.vn)