Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 10/9 nói với các phóng viên rằng, quyết định của Armenia nhằm tổ chức tập trận chung với quân đội Mỹ "có vẻ bất thường".
Armenia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - khối quân sự gồm 6 thành viên, trong đó có Nga và Belarus. Tuy nhiên, chính quyền Yerevan gần đây đã "né tránh" các cuộc tập trận chung với đồng minh CSTO, ông Lavrov nói thêm.
Phát biểu trong cuộc họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ, Ngoại trưởng Nga nói rằng Moscow "lấy làm tiếc" về các động thái của chính phủ Armenia.
"Tôi không tin rằng điều đó sẽ mang lại lợi ích cho bất kỳ quốc gia nào, kể cả Armenia", ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga cho rằng "một quốc gia NATO cố tìm chỗ đứng ở khu vực Nam Caucasus" sẽ không mang lại lợi ích cho an ninh khu vực.
Theo đài RT, đường hướng chính trị của chính quyền Yerevan từ lâu làm dấy lên lo ngại ở Moscow. Tháng 9/2022, Armenia từ chối tham gia cuộc tập trận chung của CSTO ở Kazakhstan, viện lý do xung đột biên giới với Azerbaijan. Căng thẳng giữa 2 nước láng giềng này bùng lên khi đó do 2 nước cáo buộc nhau châm ngòi xung đột ở biên giới, khiến hàng chục binh sĩ của cả 2 nước thiệt mạng.
Ông Nikol Pashinyan, Thủ tướng Armenia, đã yêu cầu CSTO hỗ trợ quân sự, nhưng khối này từ chối gửi quân, chỉ giải quyết căng thẳng thông qua ngoại giao.
Năm 2020, Nga từng đứng ra làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan, đồng thời gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Tháng 1/2023, ông Pashinyan tuyên bố rằng việc tổ chức các cuộc tập trận của CSTO trên đất Armenia là không phù hợp. "Vì vậy, ít nhất là trong năm nay, các cuộc tập trận như vậy sẽ không diễn ra", Thủ tướng Armenia tuyên bố mà không cung cấp thông tin chi tiết. Tuyên bố của ông Pashinyan được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga công bố kế hoạch một số cuộc tập trận chung của các thành viên CSTO, trong đó có ít nhất một cuộc tập trận dự kiến ở Armenia.
Kể từ sau phản ứng của CSTO với xung đột Armenia - Azerbaijan, chính quyền Yerevan cho rằng khối quân sự đã không bảo vệ được Armenia trước Azerbaijan. Armenia quyết định chuyển hướng sang hợp tác với NATO.
Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Armenia dự kiến diễn ra trong tuần này, từ 11/9-22/9.
Ngày 6/9, Điện Kremlin bày tỏ quan ngại về cuộc tập trận chung này. "Về vấn đề cuộc tập trận, thông tin đó chắc chắn là đáng lo ngại, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện nay. Đó là lý do chúng tôi sẽ phân tích kỹ lưỡng các tin tức và theo dõi sát diễn biến", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Đại tá Martin O'Donnell, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Mỹ, ngày 7/9 nói rằng cuộc tập trận sắp tới là cơ hội quan trọng để binh sĩ Mỹ và Armenia xây dựng mối quan hệ mới ở cấp độ chiến thuật và tăng cường khả năng tương tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình.
Ngày 8/9, Moscow triệu tập Đại sứ Armenia về một loạt hành động của chính quyền Yerevan mà Moscow coi là "không thân thiện". Các hành động này bao gồm việc Armenia đăng ký tham gia Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), cơ quan đã ban hành lệnh bắt giữ ông Putin đầu năm nay liên quan đến vấn đề ở Ukraine (mà Nga đã bác bỏ) hay tuyên bố của chủ tịch quốc hội Armenia mà Moscow coi là "xúc phạm" Bộ Ngoại giao Nga.
Theo Nguyễn Thái (Nguoiduatin.vn)