Theo tờ Straits Times, trong nhiều năm qua, các nhà ngoại giao Mỹ đã cố gắng thảo luận với những đối tác Trung Quốc về kế hoạch này với hy vọng sẽ tránh được một cuộc xung đột giữa lực lượng đặc nhiệm của Mỹ và Trung Quốc trong nỗ lực ngăn chặn căng thẳng bùng phát ở Triều Tiên.
Cũng trong khoảng thời gian ấy, theo nhiều cựu quan chức Mỹ, Trung Quốc không tán thành những đề xuất từ phía Washington vì lo sợ rằng nếu thông tin về những cuộc thảo luận nêu trên bị rò rỉ, Bắc Kinh sẽ bị coi là đã bắt tay với Nhà Trắng lên kế hoạch chống lại Bình Nhưỡng, gây hủy hoại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên.
Do đó, những quan chức Mỹ tại Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã vô cùng ngạc nhiên với tiết lộ của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại một phiên họp của diễn đàn chính trị Hội đồng Đại Tây Dương mới đây.
Theo đó, ông Tillerson cho hay, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cam kết với lãnh đạo Trung Quốc rằng nếu lực lượng Mỹ thâm nhập Triều Tiên, họ sẽ tìm cách vô hiệu hóa hạt nhân của Bình Nhưỡng và rút đi sau khi nhiệm vụ hoàn thành.
Quan chức Mỹ cho rằng, những nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể chuẩn bị vũ khí hạt nhân sử dụng để tấn công Hàn Quốc và Nhật Bản hoặc tự cho phát nổ để ngăn chặn cuộc xâm nhập của Washington.
Cũng trong tuần trước, tại một cuộc hội thảo, ông Tillerson khẳng định Mỹ và Trung Quốc đã nhiều lần bàn luận với nhau về kịch bản có thể xảy đến với Triều Tiên. Trong trường hợp xấu nhất, Washington và Bắc Kinh sẽ đảm bảo hệ thống vũ khí mà Triều Tiên đang phát triển để rơi vào tay những đối tượng mà họ không mong muốn.
Theo Straits Times, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định chính quyền Washington không tìm kiếm giải pháp để khiến Triều Tiên sụp đổ hay cố ý thúc đẩy quá trình thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.
"Chúng tôi không phải đang tìm một lý do để đưa lực lượng quân đội đến khu vực phi quân sự (DMZ), vùng ranh giới chia cắt giữa Hàn Quốc và Triều Tiên", ông Tillerson tuyên bố.
Nhưng nếu Mỹ buộc phải hành động, Ngoại trưởng Mỹ nói thêm, theo như cam kết với Trung Quốc, Washington sẽ rút lui về phía Nam bên kia chiến tuyến theo vĩ tuyến 38 sau khi giải trừ mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng.
Nói cách khác, Mỹ sẽ để Trung Quốc xử lý vấn đề Triều Tiên hoặc để Seoul và Bắc Kinh tự thương lượng, bàn thảo nhằm tìm ra giải pháp tối ưu nhất và xử lý cuộc khủng hoảng đó.
Trong khi đó, Nhà Trắng đang tập trung hơn vào đề nghị của ông Tillerson trong một bài phát biểu trước đó tại Liên Hợp Quốc rằng Mỹ nên đàm phán với Triều Tiên về bất kỳ vấn đề gì, kể cả thời tiết.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steven Goldstein đã đưa ra nhận xét về việc ông Tillerson tiết lộ kế hoạch vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Theo ông Steven, Ngoại trưởng Tillerson có chủ ý khi tiết lộ một phần kế hoạch trên. Bởi dường như ông Tillerson muốn Mỹ và Trung Quốc cùng phác thảo kịch bản giải quyết vấn đề Bình Nhưỡng và kho vũ khí hạt nhân của nước này nên mới cố ý kéo Bắc Kinh vào thông báo trên mà không sợ họ phật ý.
Theo các quan chức Mỹ, kế hoạch vô hiệu hóa kho vũ khí Triều Tiên đã được phát triển trong những năm gần đây phần lớn bởi vì Bình Nhưỡng ngày càng đẩy mạnh tốc độ xây dựng chương trình tên lửa và hạt nhân.
Hiện tại có nhiều ước tính khác nhau của các cơ quan tình báo Mỹ về số lượng vũ khí mà Triều Tiên sở hữu. Hầu hết đều cho rằng Bình Nhưỡng có từ 15 đến 30 vũ khí hạt nhân, nhưng cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ lính Mỹ trên bán đảo Triều Tiên cho rằng con số đó có thể lên tới 50.
Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, rất khó để xác định số lượng vũ khí hạt nhân chính xác mà Triều Tiên đang sở hữu, bởi chúng có thể được ngụy trang rất kỹ lưỡng.
Liên quan tới tình hình Triều Tiên, viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc, cơ quan nghiên cứu của Cơ quan Tình báo Hàn Quốc (NIS) vừa cho hay, những áp lực ngày càng gia tăng bởi những biện pháp trừng phạt cộng với việc Bình Nhưỡng mạnh tay đầu tư cho vũ khí đang đẩy nước này tới nguy cơ phải đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng.
Trước đó, hồi tháng Chín, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên. Thông thường, những quy định cấm vận sẽ tác động đến kinh tế của một quốc gia sau 6 tháng đến 1 năm được áp dụng.
Như vậy, cho tới khoảng tháng 3/2018, Bình Nhưỡng sẽ trải qua giai đoạn khó khăn và những thách thức về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan trên, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục tìm cách phát triển kinh tế và không từ bỏ mục tiêu trở thành một cường quốc hạt nhân.
Theo Nguoiduatin.vn