Tuy nhiên, trên thế giới, không chỉ có Yevgeny Prigozhin và tập đoàn Wagner là những cái tên "sừng sỏ" trong giới lính đánh thuê được nhiều người biết đến. Dưới đây là một số cái tên khác dù sức mạnh và phạm vi tác chiến khác nhau, nhưng "hành động" mà các cá nhân và tổ chức này gây ra cũng đã phần nào ảnh hưởng đến tình hình chính trị quốc gia cũng như vấn đề an ninh toàn cầu.
Thế lực đen Blackwater
Nhờ quan hệ mật thiết với chính quyền và quân đội Mỹ mà Blackwater trở thành một trong những tập đoàn quân sự tư nhân lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh các tập đoàn quân sự tư nhân tham gia ngày càng nhiều vào các cuộc chiến trên thế giới, Blackwater là cái tên thường xuyên được nhắc tới với nhiều lo ngại. Tập đoàn này là ví dụ rõ ràng nhất cho xu hướng tư nhân hóa chiến tranh với tầm ảnh hưởng lớn tại Afghanistan và Iraq đi kèm nhiều tai tiếng.
Blackwater không chỉ nổi bật về khả năng kinh doanh mà còn “vượt trội” về tai tiếng. Đỉnh điểm là vụ xả súng làm 17 dân thường thiệt mạng tại Baghdad vào giữa tháng 9/2007 và một số nhân viên của hãng đã bị truy tố. Ngoài ra, theo thống kê của hạ viện Mỹ, trong giai đoạn 2005-2007, Blackwater liên quan đến 195 vụ nổ súng ở Iraq, trong đó có 163 vụ do lính của tập đoàn bắn trước. Con số này nhiều nhất trong tất cả các hãng quân sự tư nhân hiện diện tại Iraq, theo thống kê của hạ viện Mỹ.
Bên cạnh đó, tờ The New York Times đưa tin Blackwater bị phạt 42 triệu USD vào tháng 8/2010 vì buôn bán vũ khí trái phép ở Afghanistan. Để giảm bớt tai tiếng và tiếp tục hợp tác với quân đội Mỹ, hãng này đã 2 lần đổi tên thành Xe (tháng 2/2009) và Academi (từ tháng 12/2011). Tuy nhiên, tên Blackwater vẫn được biết đến nhiều nhất.
Tính đến năm 2012, thời điểm Blackwater đang ở thời kỳ "cực thịnh", tập đoàn này có 2.000 nhân viên chính thức tại 9 quốc gia và hàng chục ngàn nhân viên hợp đồng thời vụ ở những vùng giao tranh trên khắp thế giới. Nhân viên người Mỹ hoặc các nước phương Tây khác được trả tối thiểu 1.000 USD/ngày khi hoạt động ở Iraq hay Afghanistan. Nhân viên bản xứ hoặc “lính đánh thuê” từ các quốc gia khác cũng được trả ở mức 450-650 USD/ngày. So với chi phí đào tạo, chế độ lương bổng, y tế, hưu trí dành cho các binh sĩ, việc giao một số nhiệm vụ cho các hãng tư nhân vẫn giúp Lầu Năm Góc tiết kiệm được ngân sách.
Mấu chốt thành công của Blackwater chính là người sáng lập Erik Prince cùng quan hệ chặt chẽ giữa ông này với một số nhân vật cộm cán của đảng Cộng hòa và quân đội Mỹ, theo tờ Les Echos. Ông Prince sinh năm 1969 trong một gia đình cực kỳ giàu có và thế lực ở Holland, bang Michigan. Cha ông, Edgar Prince, là cựu quân nhân của không quân Mỹ, sau khi xuất ngũ thành lập hãng Prince Corporation chuyên về sản xuất linh kiện xe hơi. Hãng này nhanh chóng gặt hái thành công, trở thành đơn vị kinh tế chủ lực của địa phương và giúp Prince “cha” xây dựng quan hệ với các chính trị gia cấp cao thuộc đảng Cộng hòa.
Tiếp nối truyền thống gia đình, Erik Prince nhập ngũ và trở thành thành viên của đội đặc nhiệm siêu tinh nhuệ SEAL. Chính trong môi trường này, ông đã nung nấu ý tưởng thành lập công ty quân sự và an ninh tư nhân. Sau khi cha ông qua đời năm 1995, Prince nhận được phần thừa kế 500 triệu USD và xuất ngũ để thành lập Blackwater.
Những thành viên chủ chốt thuở ban đầu của Blackwater không ai khác chính là một số đồng đội SEAL của Prince. Đây cũng chính là chiến lược hoạt động của hãng này: tuyển dụng từ quân đội và cảnh sát, vừa không tốn phí đào tạo vừa có người tham gia huấn luyện cho tân binh theo hợp đồng với chính phủ các nước. Những nhân viên chủ chốt đều là cựu đặc nhiệm SEAL (Mỹ), SAS (Anh)... từng trải qua quá trình rèn luyện, sàng lọc cực kỳ khắc nghiệt để có những kỹ năng chiến đấu đặc biệt như giải thoát con tin, thăm dò thông tin tại những khu vực do đối phương kiểm soát, hoạt động ở nhiều điều kiện địa hình khác nhau, sử dụng được nhiều loại vũ khí, phương tiện…
Sau những vụ tai tiếng, lợi thế của Blackwater bị suy giảm, phải đổi tên và ông Prince cũng từ chức chủ tịch nhưng vẫn là thành viên hội đồng quản trị. Tuy nhiên, hãng này vẫn được CIA tin tưởng. Tờ The New York Times từng có bài viết giật tít: CIA nhờ đến sự hỗ trợ của Blackwater trong cuộc chiến chống khủng bố. Hiện nay, tại một số căn cứ bí mật ở khu vực biên giới Pakistan - Afghanistan, hãng này còn được phép dùng máy bay không người lái để tiêu diệt các phần tử Taliban và al-Qaeda, theo Les Echos.
Quân đoàn lê dương Aegis
Không chỉ Blackwater, Lầu Năm Góc còn thuê nhiều công ty an ninh-quân sự tư nhân nước ngoài. Aegis Defence Services là một trong số đó (được thành lập bởi cựu trung tá Tim Spicer, vốn là cựu binh cuộc chiến Falklands dưới trướng quân đội Anh).
“Đầu gấu” không thua gì Blackwater
Tim Spicer bắt đầu gây chú ý sau khi nhân vật này giải ngũ khỏi quân đội Anh và ngồi ghế tổng giám đốc điều hành Công ty Sandline International. Một năm sau, Tim Spicer có mặt tại Papua New Guinea, nơi ông cung cấp một đội quân đánh thuê chuyên nghiệp cho chính phủ nơi này nhằm bảo vệ một công ty khai thác đồng đa quốc gia.
Sau sứ mạng trên, Tim Spicer sang Sierra Leone, dính dáng vụ vận chuyển vũ khí trái phép cho nhóm đảo chính. Năm 2004, cái tên Tim Spicer lại xuất hiện khi liên can một âm mưu chính trị tại Equatorial Guinea. Tuy nhiên, hai tháng sau, công ty của Tim Spicer - Aegis Defence Services - vẫn ký được hợp đồng trị giá 293 triệu USD với Lầu Năm Góc, đưa Tim Spicer trở thành chỉ huy một lực lượng quân sự nước ngoài lớn thứ hai tại Iraq, sau quân đội Mỹ và nhỉnh hơn cả quân đội Anh! “Đầu gấu” không thua Blackwater, lính đánh thuê Aegis cũng gây nhiều tai tiếng bởi “thú vui” bắn giết loạn cào cào. Tháng 11-2005, một cựu nhân viên Aegis từng tung lên Internet đoạn băng quay cảnh lính Aegis bắn vào một số xe thường dân.
Sinh năm 1952 tại Aldershot (Anh), Tim Spicer vào quân ngũ khi học tại Học viện quân sự Sandhurst rồi gia nhập lực lượng cảnh vệ Scotland (Scots Guards), sau khi điều kiện tham gia lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ SAS (thuộc quân đội Anh) bị khước từ. Năm 1982, Tim Spicer chứng kiến trận đánh đầu tiên khi được gửi đến đảo Falkland trong cuộc chiến với Argentina. Tim Spicer cũng phục vụ hai cuộc chiến nước ngoài khác dưới màu áo lính Anh - tại cuộc chiến vùng Vịnh 1991 và cùng lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Bosnia.
Năm 1995, Tim Spicer có vẻ như bắt đầu giã từ vũ khí khi chính thức giải ngũ nhưng không lâu sau lại có mặt trên nhiều trận địa với tư cách chỉ huy quân đoàn đánh thuê. Thoạt đầu, Tim Spicer được người bạn Simon Mann giới thiệu gặp cựu sĩ quan quân đội Anh Tony Buckingham với ý tưởng thành lập một công ty quân đội tư nhân. Một năm sau, với ủng hộ từ Buckingham, Sandline International ra đời.
Sau khi quân đội Mỹ đổ bộ vào Baghdad vào tháng 4-2003, Aegis lập tức vồ cơ hội. “Hũ vàng” của họ là nguồn quỹ tái thiết Iraq với 18,4 tỷ USD. Có hai sự kiện dẫn đến “bước đột phá” cho Aegis. Sự kiện thứ nhất là vụ 4 nhân viên Blackwater bị thảm sát tại Fallujah vào tháng 3-2004, cho thấy quân đội Mỹ cần một quân đội nhỏ hơn để hỗ trợ chứ không chỉ lực lượng bán chuyên nghiệp từ các công ty an ninh tư.
Ngoài việc quản lý Trung tâm các chiến dịch tái thiết (thật ra là văn phòng tác chiến chỉ huy chiến dịch điều phối với các nhà thầu an ninh khác khắp Iraq), Aegis và 5 văn phòng vệ tinh nữa của họ còn có 75 nhóm an ninh đặc trách cung cấp thông tin tình báo cho các nhà thầu an ninh tư nhân (Aegis là nơi quyết định ai được phép đi đâu và lúc nào). Khi một địa điểm bị tấn công, Aegis cũng là nơi điều phối với quân đội Mỹ để thực hiện chiến dịch oanh tạc trả đũa hoặc điều bộ binh đến...
Năm 2004, 5 thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ trong đó có Ted Kennedy đã phản đối việc Lầu Năm Góc ký hợp đồng “đâm thuê, chém mướn” với Aegis Defence Services, một phần bởi quá khứ đầy xì căng đan của Tim Spicer. Tháng 8-2004, nhóm thượng nghị sĩ trên yêu cầu (cựu) Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld xem lại hợp đồng với Aegis. Phản hồi, tháng 11-2004, Lầu Năm Góc nói rằng họ chẳng biết gì về “chuyện giang hồ” tai tiếng trước kia của Tim Spicer cả!
Wagner và người kích động vụ nổi loạn ở miền Nam nước Nga
Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Công ty quân sự tư nhân Wagner là một người bán xúc xích từng bị kết án, khét tiếng bạo lực. Sinh ra ở St. Petersburg năm 1961, Prigozhin học tại một học viện thể thao nhưng lại dính líu vào một số vụ phạm pháp. Năm 1980, Prigozhin bị kết án do tham gia một số vụ cướp.
Sau khi ra tù năm 1990, Prigozhin kiếm sống nhờ quầy bán thức ăn nhanh, và nhanh chóng có cổ phần trong một chuỗi siêu thị, sau đó mở nhà hàng và công ty cung cấp thực phẩm được nhiều người biết đến và tin tưởng. Nhà hàng của Prigozhin nổi tiếng với những món ăn ngon và chẳng lâu sau công ty cung cấp thực phẩm Concord của Prigozhin bắt đầu giành được các hợp đồng cung cấp của chính phủ, và hoạt động ở tầm cao mới.
Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và cử lực lượng vào miền đông Ukraine, Prigozhin đã thành lập Công ty quân sự tư nhân Wagner. Prigozhin cũng thành lập một "đội quân bàn phím" và từng bị truy tố ở Mỹ vì cáo buộc tìm cách gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử ở đây.
Tháng 9 năm ngoái, Prigozhin thừa nhận rằng ông đã thành lập Công ty quân sự tư nhân vào năm 2014. Prigozhin đã xây dựng Wagner thành một lực lượng hùng mạnh qua nhiều năm hoạt động ở châu Phi, Trung Đông và gần đây là Ukraine. Syria là nơi đầu tiên đội quân của Prigozhin tự khẳng định mình là một lực lượng chiến đấu đáng gờm. Binh lính của Wagner đã tham chiến trên khắp châu Phi, bao gồm cả Mali, Cộng hòa Trung Phi và Sudan. Theo các nhà phân tích tình báo phương Tây, năm ngoái, Prigozhin đã tuyển mộ được tổng số khoảng 50.000 người.
Các lực lượng của Wagner từng có thời gian phối hợp với quân đội Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Suốt nhiều tháng qua, ông Prigozhin cho rằng các lực lượng của Wagner chịu thương vong nặng nề do thiếu đạn dược, và đe dọa sẽ rút quân, khiến mối quan hệ giữa hai bên ngày càng rạn nứt trong bối cảnh xung đột tại Ukraine chưa có hồi kết.
Căng thẳng dần tăng khi ông Prigozhin từ chối yêu cầu ký hợp đồng phục vụ với Bộ Quốc phòng Nga.
Theo TASS, ngày 23-6, một số bản ghi âm đã được đăng trên kênh Telegram của người sáng lập Wagner. Trong bản ghi âm này, Prigozhin đặc biệt tuyên bố rằng các đơn vị của mình đã bị tấn công và đổ lỗi cho giới chức quân sự Nga vì điều này.
QT (SHTT)