Bí ẩn số phận của 3 tù nhân trong vụ vượt ngục thành công duy nhất trốn khỏi Alcatraz
Alcatraz vốn được mệnh danh là nhà tù không lối thoát với mức độ an ninh bảo mật nghiêm ngặt khét tiếng bậc nhất thế giới. Trong suốt lịch sử hoạt động của Alcatraz, 36 tù nhân từng cố gắng vượt ngục nhưng tất cả đều không thành công.
Trong số đó, 23 tên bị bắt, 6 kẻ bị bắn chết, 2 người chết đuối, 5 người khác mất tích. Tuy nhiên, hai anh em John và Clarence Anglin cùng với Frank Morris là 3 người duy nhất trốn khỏi nhà tù này và số phận đến nay vẫn là ẩn số.
Alcatraz nằm biệt lập trên một hòn đảo trong vịnh San Francisco, bang California, Mỹ, bao quanh là vùng nước biển lạnh, nhiệt độ không bao giờ vượt quá 160C vào mùa hè cùng những dòng hải lưu chảy xiết, Alcatraz bắt đầu khởi công xây dựng năm 1910 và hoàn thành năm 1012 trên nền một nhà tù cũ. Đến năm 1934, nó được đặt dưới quyền kiểm soát của Văn phòng Trại giam Liên bang, là nơi giam giữ những tù nhân nguy hiểm nhất nước Mỹ, đồng thời được coi là nơi “không thể vượt ngục” bởi cách thiết kế khép kín và hệ thống canh phòng cực kỳ nghiêm ngặt.
Vụ việc xảy ra vào đêm 11/6/1962, khi 3 tù nhân cộm cán gồm Frank Lee Morris, John Anglin và Clarence Anglin (là hai anh em ruột) đã trốn thoát. Đến tận bây giờ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vẫn chưa tìm thấy họ và lệnh truy nã họ vẫn còn hiệu lực.
Frank Lee Morris sinh ngày 21/1/1926 tại Washington D.C. Năm 13 tuổi, Morris bị bắt vì tàng trữ chất ma túy và cướp có vũ trang. 18 tuổi tiếp tục tham gia một vụ cướp ngân hàng tại TP.Miami Beach, bang Florida. Bị kết án 15 năm và bị giam ở nhà tù tiểu bang Lousiana nhưng ở tù được 10 năm, Morris trốn thoát. Một năm sau khi trốn thoát, Morris đột nhập nhà riêng của một tỉ phú ngành kinh doanh xe hơi ở San Francisco để trộm cắp tài sản. Bị bắt và lần này, Morris được đưa vào nhà tù Alcatraz với số tù AZ 1441.
Cũng như Frank Lee Morris, anh em John Anglin (sinh ngày 2/5/1930) và Clarence Anglin (sinh ngày 11/5/1931) đều có quá khứ bất hảo. Lúc mới 14 tuổi, John rủ Clarence tham gia cướp ngân hàng nhưng không bị truy tố vì phi vụ bất thành. Đến năm 28 tuổi, một lần nữa John lại rù Clarence cướp ngân hàng Columbia, bang Alabama. Bị bắt, John lĩnh án 15 năm tù còn Clarence lĩnh án 20 năm. Sau một thời gian thụ hình tại nhà tù tiểu bang Lavenworth, Florida, cả hai được chuyển đến nhà tù liên bang Alcatraz với số tù lần lượt là AZ 1476 và AZ 1485.
Dù vào Alcatraz ở những thời điểm khác nhau nhưng 3 đối tượng trên lại được sắp xếp ở những phòng giam liền kề. Ý định vượt ngục xuất hiện vào đầu tháng 12/1961, khi Morris tình cờ nhặt được vài lưỡi cưa sắt đã gãy trong một lần ra sân tắm nắng do các thợ sắt sữa chữa hàng rào an ninh ở khu vực giam giữ những tù nhân đặc biệt nguy hiểm, đã vô tình vứt bỏ không đúng nơi quy định.
Sau gần 3 tháng quan sát địa hình địa vật trong những lần ra sân tắm nắng, tập thể dục, giữa tháng 2/1962, lúc đến giờ ăn, Morris tìm cách ngồi chung bàn với anh em Anglin và bắt đầu ý tưởng vượt ngục bằng cách đào một đường hầm ngay tại đầu giường ngủ, đi vào lỗ thông gió lên sân thượng rồi từ đó vượt qua hàng rào thép gai, xuống một vỉa đá lởm chởm, nơi đặt bồn nước ngọt để cung cấp cho sinh hoạt của nhà tù. Sát cạnh bồn nước là biển, đồng nghĩa với tự do.
Một may mắn nữa đến với nhóm vượt ngục là trong một lần được cử đi dọn dẹp khu vườn hoa của nhà tù, John Anglin tìm thấy một thanh thép, hình dáng tựa như mũi khoan trong động cơ của một máy hút bụi đã bị hỏng. Suốt 6 tháng sau đó, mỗi khi đêm xuống, lúc các buồng giam đã đóng cửa và các quản giáo đã trở về khu vực trực gác của mình, Morris lại kéo chiếc giường dịch ra ngoài, mở tấm vỉ thép che lỗ thông gió ở ngay đầu giường rồi dùng mũi khoan và lưỡi cưa gãy, đục, khoét vào lớp gạch cho rộng nó ra để có thể chui lọt. Ở buồng bên cạnh, John Anglin chơi đàn Acordion nhằm che dấu tiếng động. Nếu quản giáo đi kiểm tra đột xuất, John báo hiệu bằng cách ngừng chơi còn Morris lắp tấm vỉ sắt vào lỗ thông gió rồi lên giường nằm như đang say ngủ.
Trở ngại cuối cùng của nhóm vượt ngục là quãng đường biển từ Alcatraz vào đến bờ gần nhất là 16km. Trong 3 tháng cuối, họ tìm được 50 chiếc áo mưa bằng cách xin, mua hoặc đánh cắp của những tù nhân khác. Những chiếc áo mưa ấy được Morris và anh em Anglin dán lại thành một chiếc bè ngang 1,8m, dài 4,3m. Đường ống dẫn hơi nóng để sưởi vào mùa đông nằm gần bên ống thông gió và những tuýp keo đánh cắp từ xưởng làm găng tay trong nhà tù đã giúp họ dán chiếc bè này...
Cuối cùng, trong khoảng thời gian từ đêm 11/6 đến sáng 12/6/1962, chúng bắt đầu triển khai kế hoạch tẩu thoát. Chúng dùng gối, quần áo và một chiếc đầu giả để xếp làm hình người đang ngủ quay mặt vào tường để qua mặt lính canh. Mất khoảng 15 phút, cả nhóm vượt ngục vào được ống thông gió chính. Trong lòng ống có một cầu thang dẫn lên sân thượng, nơi đặt cửa hút gió.
Mất thêm nửa tiếng nữa, Morris và anh em Anglin mới từ sân thượng xuống được mái nhà của các buồng giam bằng cách bám theo đường ống dẫn nước cao 30m. Sau đó, vẫn theo đường ống dẫn nước cao 15m, họ tụt xuống mặt đất rồi vượt qua 2 lớp hàng rào thép gai cao 3,7m. Cuối cùng, họ đến chiếc tháp đặt bồn chứa nước nằm cạnh bờ biển. Tại đây, họ giở chiếc bè ra rồi dùng bầu hơi của cây đàn Acordion mà John Anglin đã tháo ra từ trước, bơm căng chiếc bè.
Theo kế hoạch, nhóm vượt ngục dùng bè đến đảo Angel, cách nhà tù Alcatraz 16km. Để tránh dòng hải lưu chảy rất mạnh, họ vòng lại vịnh ở phía đối diện Alcatraz rồi vượt qua eo biển Raccon để cập bờ thuộc quận Marin. Khi đã lên bờ, họ sẽ tìm cách ăn cắp một chiếc xe hơi, đột nhập một cửa hàng quần áo để lấy trang phục rồi chia tay, ai đi đường nấy.
Rất nhiều manh mối, rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra nhưng phải nói rằng cho đến nay, sự khét tiếng của nhà tù Alcatraz đã làm cho vụ vượt ngục của 3 kẻ trên càng trở nên huyền bí và tò mò. Bất kể thế nào, những tù nhân này đã khiến cho cả cảnh sát và dư luận phải nhức đầu tìm kiếm thông tin và đoán già đoán non. Họ đã chết đuối hay trốn thoát thành công vẫn là câu hỏi mà đến nay chưa có đáp án.
Cuộc vượt ngục chấn động của hai kẻ đào tẩu tại nhà tù an ninh bậc nhất nước Mỹ
Chỉ trong vòng 6 tháng thực hiện, David Sweat và Richard Matt, hai phạm nhân phạm tội giết người và mang án chung thân đã trốn ra khỏi nhà tù có an ninh bậc nhất nước Mỹ một cách dễ dàng. Một đường hầm được cả hai xây dựng nên nhờ vào sự nghiên cứu kỹ lưỡng thời gian cũng như quy luật hoạt động, thay đổi ca kíp của các nhân viên nhà tù.
David Sweat, một phạm nhân bị lĩnh án tù chung thân vì tội giết người và đang phải trả án tại trại cải tạo Clinton, thành phố New York, Mỹ đã ngày đêm nung nấu ý định trốn trại. David Sweat đã tạo được lòng tin từ các quản giáo bởi có như vậy thì hắn sẽ không bị để ý nhiều và có thể làm được những gì mà hắn muốn. David Sweat là người có sự quan tâm đặc biệt đến các quản giáo không phải vì hắn cảm thấy có lỗi mà đấy là một phần trong kế hoạch thực hiện âm mưu của mình. Quan tâm đến các quản giáo, hắn sẽ nắm được rất rõ thời gian làm việc cũng như tính tình của từng người để hắn dễ dàng hành động.
Thời gian đầu thực hiện kế hoạch, David Sweat âm thầm một mình mà không để cho ai biết. Đêm nào cũng vậy, khi các bạn tù đã ngủ say, hắn một mình lén chui qua một lỗ nhỏ tự tạo trên bức tường buồng giam xuống một hệ thống đường hầm chằng chịt bên dưới nhà tù để nghiên cứu rồi trở về như chưa có chuyện gì xảy ra. David Sweat đã thực hiện trót lọt công việc này trong nhiều tháng qua mà không bị ai phát hiện kể cả những người bạn tù cùng phòng giam với hắn. Vì nghiên cứu được lịch trình làm việc của các quản giáo nên hắn đã lợi dụng thời điểm giao ca và nghỉ ngơi của các quản giáo để hành động.
Khi đang thực hiện kế hoạch đào tẩu thì David Sweat lại bị chuyển phòng giam. Tưởng chừng như việc chuyển phòng giam sẽ làm vỡ kế hoạch nhưng hoàn toàn ngược lại. Sau khi chuyển sang phòng giam mới, việc thám thính địa hình vẫn được diễn ra và có phần thuận lợi hơn vì quãng đường hầm được rút ngắn lại, bên cạnh đó David Sweat lại nhận được tín hiệu từ một phạm nhân phòng bên nên cả hai đã cùng nhau hợp tác thực hiện kế hoạch đào tẩu.
Khi được chuyển buồng giam David Sweat đã kết hợp cùng với Richard Matt bắt tay vào thực hiện. Việc đầu tiên là David Sweat đã dùng một lưỡi cưa sắt âm thầm cắt thủng bức tường buồng giam của hắn và Richard Matt. Một số bạn tù cũng đã nghe thấy tiếng động lạ giữa đêm khuya và cũng có thắc mắc với David Sweat nhưng hắn đã chống chế rằng đó là tiếng kéo giãn vải để làm khung giá vẽ. Vì David Sweat có năng khiếu hội họa, hắn đã nhiều lần vẽ tranh tặng cán bộ trại giam để nhận được những đặc ân và còn vẽ tặng một số bạn tù nên khi hắn nói hắn muốn vẽ tranh thì không ai còn nghi ngờ hắn nữa. Hàng đêm, hắn phải chờ đến 23h30 rồi mới chui qua lỗ trên tường, lợi dụng các đường ống nước để trèo xuống hệ thống đường hầm. David Sweat dành phần lớn thời gian mày mò tại đây và chỉ trở về khi đồng hồ chỉ 5h30.
Dù đã lên kế hoạch tỷ mỉ cho việc đào tẩu nhưng cả David Sweat và Richard Matt đều không tính đến việc khi trốn thoát ra khỏi trại thì bọn chúng sẽ tiếp tục tẩu thoát thế nào mà bọn chúng chỉ nghĩ rằng chỉ cần thoát ra khỏi buồng giam có nghĩa là sẽ thoát. Chính vì không tính kỹ và lên phương án cho kế hoạch khi đã ra bên ngoài nên cả hai đã gặp trở ngại lớn.
Sau khi ra được khỏi nhà tù, cả hai không có ai trợ giúp nên đã phải chạy vào rừng lẩn trốn. Khu nhà tù Clinton được bao quanh bởi một khu rừng hoang sơ nên việc tìm đường chạy trốn trong khu rừng này cũng là một vấn đề không đơn giản trong khi đó cán bộ trại tù đã phát hiện ra hai tên phạm nhân đã bỏ trốn nên họ đã huy động lực lượng phong tỏa truy tìm David Sweat và Richard Matt. Ngày 26/6/2015, Richard Matt bị một nhân viên an ninh liên bang bắn hạ vì không chịu buông súng khi nhận được tín hiệu cảnh cáo. Hai ngày sau, một trung sĩ cảnh sát phát hiện ra David Sweat trên con đường nhỏ cách biên giới Canada khoảng 1,6km. Viên cảnh sát đuổi theo David Sweat tới một cánh đồng vắng và giơ súng bắn bị thương kẻ vượt ngục từ khoảng cách 45m.
Bị bắt trở lại ngay sau khi kế hoạch đào tẩu không thành, Richard Matt và David Sweat đã thành khẩn khai báo và kể lại toàn bộ kế hoạch cũng như quá trình thực hiện âm mưu trốn ngục. Bọn hắn đã không quên khai ra sự giúp đỡ của quản giáo Mitchell, người đã tuồn lưỡi cưa, đục cùng các công cụ khác vào ngục để Richard Matt và David Sweat trốn thoát. Giới chuyên gia nhận định vụ việc lần này là bài học đắt giá đối với chính quyền trong công tác quản lý trại giam cũng như triển khai chiến dịch truy bắt phạm nhân vượt ngục.
Cuộc tẩu thoát ngoạn mục của 38 tù nhân khỏi nhà tù 'Mê Cung'
Nhà tù Maze (còn được gọi là Long Kesh, nhà tù Mê Cung) không chỉ nổi tiếng bởi sự hà khắc, bạo lực mà còn là một trong những nhà tù được bảo vệ nghiêm ngặt nhất châu Âu. Hoạt động từ năm 1971, nhà tù là nơi giam giữ nhiều tội phạm thuộc các phe phái khác nhau và chứng kiến vô số cuộc xung đột. Khi căng thẳng bên trong nhà tù ngày càng gia tăng, các tù nhân IRA (hầu hết trong số đó đều bị bỏ tù vì tội giết người hoặc đánh bom hại chết thường dân vô tội) đã thực hiện kế hoạch “tẩu thoát vĩ đại” vào ngày 25/9/1983.
Nhà tù Maze có các bức tường bảo vệ cao đến 4 m cùng hàng rào dây kẽm gai bao bọc xung quanh. Tất cả các cửa trong nhà tù đều được làm bằng thép đặc và điều khiển bằng điện. Ngoài ra, nhà tù Maze được giám sát ngày đêm bởi 15 vọng gác có đèn pha cùng binh lính Anh túc trực sẵn sàng bắn hạ bất cứ tù nhân nào có ý định vượt ngục.
Do đó, để thực hiện kế hoạch đào thoát, các tù nhân đã chuẩn bị trong nhiều tháng. Bobby Storey và Gerry Kelly (2 thành viên cốt cán của IRA, bị tuyên phạt mỗi người 12 năm tù giam về tội tổ chức đánh bom một xe quân sự Anh ở ngoại ô thành phố Belfast vào tháng 2/1983) có nhiệm vụ quét dọn ở dãy phòng H7. Chính điều này giúp họ có cơ hội biết được những điểm yếu trong hệ thống an ninh và tuồn vào trại 6 khẩu súng lục cùng đạn dược, dao.
Từ tháng 4/1983, sau khi hội ý với Kelly, Storey tìm cách liên lạc với các chỉ huy IRA bên ngoài nhà tù để bàn về việc thực hiện một cuộc vượt ngục “ngoạn mục”. Sau khi đạt được thỏa thuận, Storey và Kelly tuyển lựa 36 tù nhân từ nhiều buồng giam rồi tìm cách chuyển những người này về sinh hoạt chung một buồng giam để tổ chức vượt ngục.
Theo kế hoạch, các tù nhân bí mật đào một đường hầm dài 70 m từ buồng giam đến phòng trực của cai ngục khu H7 để khống chế cai ngục và lấy chìa khóa mở cửa. Ở bên ngoài, IRA sẽ tổ chức các nhóm vũ trang hỗ trợ để đưa tù nhân vượt ngục đến nhiều nơi ẩn nấp khác nhau trên lãnh thổ Bắc Ireland. Vào 14h30 ngày 25/9/1983, nhóm tội phạm bắt đầu kế hoạch và chiếm quyền kiểm soát toàn bộ dãy phòng H7. Chúng bắt giữ các cai ngục làm con tin và làm bị thương một số lính canh để ngăn họ báo động.
Sau đó, xe tải lăn bánh khỏi khu trại H7 lúc 4h chiều, phía sau chở 38 tù nhân và tài xế. Khi đi qua cổng chính, xe đột nhiên dừng lại. Phát hiện điều đáng ngờ, tài xế nhanh chóng bỏ chạy nhưng bị bắn chết tại chỗ. Tiếp đó, 10 tù nhân mặc trang phục nhân viên xuống xe và lẻn vào khu an ninh, đồng thời bắt giữ nhiều người làm con tin.
Tuy nhiên, lính canh đã phát tín hiệu báo động. Khoảng 20 phút sau, lực lượng an ninh được huy động đến cổng chính để trấn áp đám tù nhân bỏ trốn, gây ra thương vong cho cả hai bên. Sau đó, một số tù nhân trốn trại đã mở được cổng chính và chiếc xe chở các tù nhân tiếp tục di chuyển. Thời điểm này, hai nhân viên trại giam đã chặn lối đi bằng ôtô và yêu cầu tù nhân đầu hàng. Bốn tù nhân nhảy xuống tấn công một nhân viên an ninh, rồi tiếp tục lái xe trước khi bỏ lại ôtô ở cổng phụ. Một tù nhân khi tìm cách đào thoát qua cổng chính đã bị lính gác bắn gục và bắt lại sau đó. 35 tù nhân khác vượt ngục thành công trước khi cửa chính của nhà tù khép lại.
Đây là vụ vượt ngục lớn nhất ở Anh và châu Âu kể từ khi thế chiến thứ hai kết thúc. Trong cuộc vượt ngục, 19 nhân viên quản giáo đã bị thương (13 người bị đánh, 4 người bị đâm, 2 người bị bắn) và cai ngục James Ferris tử vong ngay tại chỗ vì vết thương quá nặng.
Sau đó, Quân đội Anh và cảnh sát Hoàng gia ngay lập tức triển khai kế hoạch khẩn nhằm truy bắt tù nhân. Họ sử dụng các phương tiện hiện đại như máy bay trực thăng, tàu chiến, máy bay tuần tra, hàng trăm xe quân sự cùng 1.000 lính dù, lính đặc nhiệm để truy tìm dấu vết những kẻ đào tẩu. Đêm 25/9/1983, một tù nhân đã bị bắt giữ. 15 tù nhân bị bắt lại vào ngày hôm sau, trong đó 4 người bị phát hiện trốn dưới sông gần nhà tù. Hai ngày sau, 2 người khác bị bắt ở một nông trại gần hạt Antrim. 18 tên bỏ trốn thành công, thay đổi danh tính rồi tới Mỹ.
Tuy nhiên, số phận của 18 tù nhân vượt ngục này cũng được định đoạt theo nhiều cách khác nhau. Trong đó, 6 tù nhân bị lính đặc nhiệm SAS của Anh bắn chết trong các cuộc truy lùng từ năm 1983 đến năm 1997, số tù nhân còn lại lần lượt bị bắt giữ. Gerry Kelly và Brendan McFarlane bị bắt ở Hà Lan năm 1986 và được dẫn độ về nhà tù Maze. Năm 1991, Storey bị bắt tại Mỹ.
Tổng hợp
QT (SHTT)