Video bên trong tàu lặn mất tích khi tham quan xác tàu Titanic
Khi ông Bill Price (71 tuổi) xuống đáy Đại Tây Dương trên tàu lặn Titan của công ty OceanGate vào năm 2021, liên lạc vô tuyến bị cắt. Ông và 4 người khác phải trở lên mặt nước mà không được nhìn thấy Titanic.
“Chúng tôi đã đi được khoảng 3/4 quãng đường thì mất liên lạc. Chúng tôi đã quyết định quay lại”, Price nói với tờ The New York Post. Vị Chủ tịch của một công ty du lịch này đã phải chi hơn 100.000 USD (tương đương hơn 2,3 tỷ đồng) cho chuyến đi không hoàn lại với quyền miễn trừ tử vong.
Giá cả chỉ là một phần của xu hướng du lịch cực kỳ mạo hiểm. Người ta dường như thích chi nhiều tiền để "đến những nơi khắc nghiệt nhất trên Trái đất", và bây giờ thậm chí còn xa hơn thế nữa, là không gian vũ trụ, là đáy biển sâu thẳm.
Thám hiểm địa điểm như vậy là một phần của các hiện tượng thường được gọi là "dark tourism" (tạm dịch: du lịch đen tối). Vậy đâu là những địa điểm được coi là “vùng đen tối” khi du lịch.
Du lịch vũ trụ phục vụ giới siêu giàu sẽ bùng nổ
Ý tưởng du lịch vũ trụ đã bắt đầu tại Nga từ những năm 2000. Cơ quan hàng không vũ trụ Nga đã đưa 7 đại gia vào vũ trụ với mức phí khoảng 20 triệu USD/ người nhằm gây quỹ cho chương trình hàng không vũ trụ khi đó đang gặp khó khăn.
Đến nay, theo tờ Wall Street Journal, thị trường du lịch vũ trụ đã đạt rất nhiều bước tiến lớn. Một số công ty bắt đầu bước vào giai đoạn tìm khách hàng, hoàn tất chương trình thử nghiệm du lịch vũ trụ, thậm chí huấn luyện những người sẽ trở thành những thế hệ phi hành gia mới.
Từng phản đối du lịch vũ trụ nhưng hiện NASA lại ủng hộ nhiều công ty tư nhân khai thác loại hình du lịch này. Một trong số đó là Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos; Virgin Galactic của Richard Brannon và SpaceX của Elon Musk.
Một số tour du lịch ngoài không gian trên thế giới gồm:
World View: Chuyến bay vào không gian bằng khinh khí cầu, dự kiến khởi hành năm 2024. Thời gian bay 6-12 tiếng, giá vé từ 73.000 USD một người.
Space Perspective: Những chuyến bay sang trọng này cũng dự kiến khởi hành vào 2024, giá khoảng 182.000 USD một người.
Virgin Galactic: Dự kiến khởi hành vào 2023, cung cấp các chuyến bay kéo dài 90 phút. Giá vé 450.000 USD một người.
Blue Origin: Tour này sẽ đưa du khách bay đến rìa vũ trụ trong vòng 10 phút. Các chuyến bay đã được mở bán, nhưng giá vé không công khai. Theo thông tin từ New York Times, doanh thu bán vé giúp công ty thu về gần 100 triệu USD. Tuy nhiên, số lượng người mua vé không được tiết lộ.
SpaceX: Tour này mang đến cho bạn trải nghiệm như một phi hành gia thực thụ, thời gian ở lại trạm Không gian Quốc tế (ISS) gần một tuần. Giá vé là 55 triệu USD.
Vậy mức độ rủi ro là thế nào?
Những ngày đầu tiên khi ngành du lịch đặc biệt này nhen nhóm, cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) đã rất băn khoăn lo ngại về mức độ an toàn. Họ đã thành lập một ủy ban để đánh giá nguy cơ từ những năm 80 của thế kỷ trước. Những năm 2000, khi Nga thực hiện chuyến bay đưa 7 đại gia vào vũ trụ, NASA đánh giá việc đưa người thường vào vũ trụ là quá nguy hiểm, bởi khách du lịch sẽ phải đối mặt với các rủi ro như:
1.Hạt năng lượng và bức xạ Mặt Trời
Không gian chứa đầy các hạt năng lượng cao và bức xạ từ Mặt Trời có thể làm hỏng các tế bào của con người, gây ra các đột biến và biến đổi bệnh lý trong cơ thể. Trong không gian, cơ thể con người nhận được nhiều bức xạ hơn so với trên Trái Đất và các phi hành gia ở trong không gian một thời gian dài sẽ bị tổn thương bức xạ rất lớn.
2.Thiên thạch vi mô
Thiên thạch vi mô là những vật thể nhỏ trong không gian có vận tốc và năng lượng cao, khi va vào bộ đồ vũ trụ, chúng có thể gây ra nhiều thiệt hại. Nếu bộ đồ vũ trụ bị rách hoặc bị phá hủy, nó có thể gây thương tích nghiêm trọng cho phi hành gia trong không gian.
3.Trạng thái hạ huyết áp và thiếu oxy
Không có không khí và không có oxy trong không gian, dẫn đến áp suất thấp và thiếu oxy trong không gian. Ngay cả bên trong khoang vũ trụ, các phi hành gia cũng gặp nguy hiểm lớn nếu cửa sập bị bỏ ngỏ.
Ngoài ra, khách du lịch cũng có thể sẽ rơi vào tình huống vô cùng nguy hiểm nếu vô tình trôi dạt khỏi tàu vũ trụ sau khi rời cabin để đi bộ ngoài không gian.
Săn bắn động vật hoang dã ở Châu Phi
Dù săn bắt động vật hoang dã ở Châu Phi luôn là chủ để gây tranh cãi và gặp nhiều phản đối từ các nhà bảo vệ động vật cũng như người dân địa phương. Tuy nhiên thú vui này lại là lựa chọn ưa thích của nhiều người siêu giàu có bởi đây giống như một trò chơi mạo hiểm và người tham gia có thể khẳng định được bản thân cũng như thu được những món đồ lưu niệm không phải ở đâu cũng có.
Vào năm 2015, ông Walter Palmer đã phải bỏ ra 55.000 USD (tức hơn 1,2 tỷ đồng) để có được 20 ngày đi săn một con sư tử Châu Phi ở Zimbabwe.
55.000 USD bằng thu nhập trung bình của một người dân Mỹ trong năm, một số tiền khổng lồ, nhưng những kẻ nghiện săn bắn như ông Walter và rất nhiều người khác vẫn sẵn sàng bỏ ra chỉ để thỏa mãn thú vui được truy sát con mồi trong thiên nhiên hoang dã. Và có cầu ắt có cung.
Những trang web được mở ra cung cấp nhiều gói dịch vụ cho một thú chơi kỳ lạ. Vé máy bay khứ hồi tới Zimbabwe, nơi ăn ở tiện nghi, phương tiện đi lại trong rừng… nghe có vẻ như một tour du lịch thông thường, nhưng lại được niêm yết với cái giá lên tới hàng chục ngàn USD bởi lẽ, những vị khách tới đây lại không phải để tham quan, mà để mang về cho mình những món đồ “lưu niệm” không giống ai.
Ví dụ, một gói dịch vụ kéo dài 7 ngày sẽ cho phép người mua được săn 1 sư tử, 1 ngựa vằn và 1 linh dương đầu bò, đã có giá gần 30.000 USD. Hay cao cấp hơn, nếu bỏ ra 35.000 USD (tương đương gần 770 triệu VND), thợ săn sẽ có cơ hội thu về chiến lợi phẩm lớn là một chú voi rừng châu Phi quý hiểm.
Theo tường thuật của phóng viên Jonathan Mearks, ngoài Zimbabwe, một trong những nơi nuôi sư tử phục vụ cho việc săn bắn còn có trang trại Jenobli Safaris ở tây bắc Nam Phi do Casper van der Merwe điều hành. Khi Mearks đến thăm, nơi này đang nuôi khoảng 300 con sư tử trưởng thành.
Mearks nói: “Vật ngăn cách giữa sư tử và tôi chỉ là một hàng rào giây thép có dẫn điện nhưng luồng điện chỉ làm chúng tê đi chốc lát nếu chúng chạm vào”.
Vẫn theo Mearks, ông chủ trang trại Casper cho chúng ăn mỗi tuần 3 lần bằng thịt bò sống, mỗi tảng 6kg. Khi cân nặng của sư tử đạt đến 65 hoặc 70kg thì cũng là lúc cuộc săn bắt đầu diễn ra ở 2 khu bảo tồn riêng biệt, mỗi khu có diện tích 150km vuông, bao gồm đồng cỏ, những cánh rừng thưa cùng những hồ nước nhỏ.
Sau khi đóng tiền tham gia cuộc săn, khách du lịch được bố trí ở trong những khách sạn sang trọng cách bãi săn 50km. Tại đó, họ nghe Casper phổ biến quy tắc săn, cách sử dụng súng. Tiếp theo, những chiếc xe địa hình đưa họ đến bãi săn. Khi bắn hạ sư tử, khách có quyền yêu cầu thuộc da chúng để giữ làm kỷ niệm hoặc bán con thú lại cho Casper.
Tuy nhiên, ngoài những món tiền kếch xù đem lại cho địa phương và những hộ kinh doanh, nhiều nguy hiểm cũng luôn rình rập với người tham gia như có thể bị động vật hoang dã tấn công, gặp nạn trong điều kiện khắc nghiệt…
Ngoài ra, theo báo cáo đánh giá toàn cầu Ủy ban Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IBPES) năm 2019, có khoảng 1 triệu loài động thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng với tốc độ gấp nhiều lần so với lịch sử tiến hóa của sinh giới. So với thời điểm đầu thế kỷ 19, khoảng 20% các loài động thực vật trên cạn đã biến mất. Các con số thống kê cho thấy bức tranh tiêu cực về tương lai của đa dạng sinh học trên Trái đất. Bi quan hơn, nhiều người cho rằng loài người đang ở trong đợt tuyệt chủng lần thứ 6 – tuy nhiên khác với 5 đợt tuyệt chủng trước đây đều do các nguyên nhân tự nhiên, lần tuyệt chủng này có nguyên nhân chính là do tác động mãnh liệt của loài người.
"Nghĩa địa trắng" trên đỉnh Everest: Mạo hiểm mạng sống để chinh phục "nóc nhà thế giới"
Thi thể đông cứng ngày càng trở thành cảnh tượng quen thuộc tại đỉnh Everest khi nhiều nhà leo núi ít kinh nghiệm bất chấp cảnh báo nguy hiểm, mạo hiểm cả mạng sống để chinh phục thử thách.
Một nhà leo núi có kinh nghiệm đã miêu tả khung cảnh trên đỉnh Everest bằng những từ ngữ gây bàng hoàng: "chết chóc, tàn sát, hỗn loạn" – khi các nhà phiêu lưu bước qua các xác chết để chạm đến đỉnh cao nhất của thế giới.
Everest cao 8.848 mét, là đỉnh núi cao nhất trên Trái Đất so với mực nước biển. Sau trận động đất tại Nepal ngày 25/4/2015, Everest đã bị giảm độ cao 2,4 cm và dịch chuyển 3cm về phía tây nam. Đường lên đỉnh Everest là biên giới giữa Nepal và vùng Tây Tạng, Trung Quốc.
Với độ cao như vậy, quá trình đưa thi thể người xấu số từ trên đỉnh Everest xuống rất khó khăn. Chi phí vận chuyển có thể lên tới 70.000 USD, kèm theo nhiều rủi ro chết người. Năm 1984, hai nhà leo núi Nepal đã bỏ mạng khi cố gắng đưa một thi thể xuống núi. Do đó, thi thể các nạn nhân thường bị bỏ lại trên núi.
Đưa thi thể ra khỏi vùng này là cực kỳ nguy hiểm. "Rất tốn kém và rủi ro, đặc biệt đối với người Sherpa chuyên dẫn đường lên đỉnh", Alan Arnette, nhà leo núi chinh phục Everest, nói với CBC. "Họ phải tiếp cận thi thể, đôi khi sẽ đặt thi thể lên xe trượt tuyết, nhưng thường thì cuốn bằng vải và buộc dây thừng, sau đó kéo xuống. Tôi không muốn cơ thể mình được xử lý theo cách đó".
Arnette cũng đã ký vào các giấy tờ yêu cầu thi thể của mình được "an giấc vĩnh hằng" trên núi trong trường hợp mất mạng trong chuyến đi.
Việc chinh phục nóc nhà thế giới không còn là điều xa lạ với nhiều người. Nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được điều này. Theo New York Post, mỗi năm, số du khách leo lên đỉnh thành công chỉ khoảng trăm người. Lý do là tham gia tour này đòi hỏi phải có sức khỏe và tài chính tốt. Theo tính toán, chi phí một chuyến lên đỉnh Everest mất từ 30.000 đến 160.000 USD, tùy thuộc dịch vụ.
Nhiều người cho rằng số người thiệt mạng gia tăng trên ngọn Everest một phần do tình trạng quá tải. Mùa leo núi Everest rơi vào khoảng tháng 4-5, là thời gian trên đỉnh Everest trời quang đãng, ít mây. Do đó, mọi người sẽ cố gắng leo núi trước khi mùa mưa bắt đầu vào cuối tháng.
Tháng 5/2019 chỉ có khoảng 5 ngày trời nắng đẹp và phù hợp cho việc leo núi, thay vì 7-12 ngày như mọi năm, khiến hàng trăm nhà leo núi đồng loạt xuất phát, gây tắc đường. Nhiều người quyết tâm cao đến mức mạo hiểm mạng sống, bất chấp các cảnh báo.
Tại sao du lịch mạo hiểm ở "vùng đen tối" lại chỉ dành cho người giàu?
Hãy đặt câu hỏi ngược lại, bạn có đủ khả năng chi trả cho một chuyến thám hiểm trị giá 250.000 USD hoặc bất kỳ hình thức du lịch nào khác phổ biến với giới siêu giàu?
Câu trả lời đa số là không. Chính vì vậy, trải nghiệm bay vào vũ trụ, chinh phục đỉnh Everest hay khám phá đại dương thường chỉ có các "đại gia" mới đủ khả năng chi trả và những chuyến đi như vậy dần trở thành "biểu tượng địa vị".
Giáo sư Lennon nói với The Atlantic: "Đó là cảm giác bạn được tiến một bước xa hơn đám đông, bạn được làm điều gì đó táo bạo, hấp dẫn và bí mật hơn so với những người khác".
Cũng giống như ông Price, tỷ phú nổi tiếng với những chuyến phiêu lưu bằng khinh khí cầu Sir Richard Branson từng cho biết: "Trở thành một nhà thám hiểm cho tôi cảm giác được sống".
QT (SHTT)