Nghiên cứu mới: Mắc cảm cúm thông thường có thể giúp tránh Covid-19 nhờ tế bào T

11/01/2022 10:03:24

Nghiên cứu mới cho thấy mắc cảm cúm thông thường cũng có thể giúp con người tránh nhiễm Covid-19, tuy vậy các nhà khoa học cảnh báo biện pháp phòng ngừa tốt nhất hiện nay vẫn là tiêm ba mũi vaccine.

Từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, giới chuyên gia đã dự đoán rằng việc nhiễm một chủng virus corona khác, thường gây ra các triệu chứng như sổ mũi, đau họng - có thể tạo ra bảo vệ chéo trước SARS-CoV-2.

Tuy vậy, nghiên cứu mới trên thực tế đã cho thấy "bằng chứng rõ ràng nhất" về việc cảm cúm thông thường có thể giúp tạo ra miễn dịch trước Covid-19.

Cụ thể, người có lượng tế bào T cao sau khi nhiễm virus corona theo mùa ít có khả năng nhiễm SARS-CoV-2 hơn, theo nghiên cứu được tờ Daily Mail trích dẫn.

Các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London nghiên cứu 52 người sống chung với bệnh nhân dương tính SARS-Cov-2. Khoảng một nửa số này sau đó nhiễm bệnh, trong khi những người còn lại không nhiễm.

Các nhà khoa học lấu mẫu máu từ tình nguyện viên vài ngày sau khi họ tiếp xúc với SARS-CoV-2, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu xác định lượng tế bào T.

Lượng tế bào T chống virus corona sẵn có trong máu của người không nhiễm bệnh "cao hơn nhiều" so với người nhiễm bệnh, tính trung bình.

Những tế bào T này "nhắm mục tiêu vào protein bên trong virus SARS-CoV-2 thay vì protein gai" để bảo vệ con người khỏi nhiễm bệnh, các nhà nghiên cứu giải thích.

Nghiên cứu mới: Mắc cảm cúm thông thường có thể giúp tránh Covid-19 nhờ tế bào T
Ảnh minh họa

Giáo sư Ajit Lalvani, một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy tế bào T sản sinh nhờ virus corona cảm cúm thông thường có vai trò bảo vệ con người trước SARS-CoV-2."

Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo người dân không thể dựa chỉ dựa vào kháng thể do cảm cúm thông thường để bảo vệ bản thân trước Covid-19. Thay vào đó, tiêm ba liều vaccine vẫn là "cách tốt nhất để bảo vệ".

Nghiên cứu cho thấy tế bào T sản sinh sau khi nhiễm virus corona cảm cúm thông thường sẽ tấn công vào protein bên trong SARS-CoV-2, thay vì protein gai trên bề mặt, theo Daily Mail.

Giáo sư Lalvani cho rằng phát hiện này có thể giúp tạo ra một loại vaccine bảo vệ được con người trước nhiều biến chủng khác nhau.

Các loại vaccine hiện này giúp cơ thể con người sản sinh kháng thể tấn công virus và ngăn ngừa chúng bám vào và xâm nhập tế bào. Tuy vậy, lượng kháng thể sản sinh có thể sẽ giảm theo thời gian.

Vaccine cũng giúp tạo ra miễn dịch tế bào T tồn tại lâu hơn. Tế bào T cũng giúp ngăn ngừa khả năng bệnh nhân phải nhập viện hay tử vong sau khi họ nhiễm SARS-CoV-2.

Vaccine có thể nhận ra tế bào gai dựa trên phiên bản virus SARS-CoV-2 ban đầu khởi phát ở Vũ Hán (Trung Quốc). Tuy vậy, do SARS-CoV-2 đột biến nhiều lần, vaccine có thể sẽ kém hiệu quả với các biến thể mới.

Giáo sư Lalvani cho rằng protein gai của SARS-CoV-2 "luôn chịu áp lực miễn dịch lớn" từ phản ứng sản sinh kháng thể do vaccine tạo ra, thúc đẩy sự tiến hóa của các biến thể né vaccine.

Trái lại, protein bên trong virus mà tế bào T nhắm đến lại tiến hóa ít hơn, theo ông Lalvani.

Tuy vậy, giới khoa học cũng cảnh báo sẽ là "sai lầm nghêm trọng" nếu cho rằng bất kỳ ai nhiễm virus corona cảm cúm thông thường cũng được bảo vệ trước Covid-19.

Tiến sĩ Simon Clarke,  chuyên gia vi sinh tế bào tại Đại học Reading cho rằng nghiên cứu kể trên bổ sung thêm những kiến thức quan trọng về việc hệ miễn dịch của con người chống lại virus SAR-CoV-2 như thế nào.

Tuy vậy theo ông Clarke, nghiên cứu này "không nên được suy diễn quá mức". Khả năng 150.000 người tử vong vì Covid-19 từ đầu đại dịch tại Anh "chưa từng mắc cúm thông thường do virus corona  gây ra là rất thấp".

"Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu cho rằng ai đó gần đây mắc cảm cúm đều được bảo vệ trước Covid-19, bởi virus corona chỉ gây ra khoảng 10-15% tổng số ca cảm cúm thông thường," Clarke giải thích.

"Tương tự, chúng ta vẫn chưa rõ phản ứng trong nghiên cứu sẽ có hiệu quả bảo vệ như thế nào, và mối liên hệ giữa mắc cảm cúm thông thường và miễn dịch trước Covid-19 cũng chưa được chứng minh rõ ràng," Clarke cho hay.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật