Nghiên cứu mới công bố phát hiện quan trọng về SARS-CoV-2: Virus mất 90% lây nhiễm trong 20 phút sau khi bay vào không khí

12/01/2022 15:03:17

Virus SARS-CoV-2 mất 90% khả năng lây nhiễm đối với con người trong 20 phút sau khi bay vào không khí, trong đó mất hầu hết khả năng lây nhiễm ở 5 phút đầu tiên, theo một nghiên cứu mới được tờ The Guardian dẫn chứng.

Theo The Guardian, các phát hiện mới nhấn mạnh tầm quan trọng của lây nhiễm Covid-19 ở khoảng cách gần, đồng nghĩa với việc giãn cách xã hội và đeo khẩu trang có thể là những biện pháp phòng dịch tốt nhất. Các biện pháp thông gió cũng hữu hiệu nhưng có thể ít quan trọng hơn.

"Người ta tập trung vào các khoảng không gian thông gió kém và nghĩ rằng lây nhiễm qua không khí có thể xảy ra ở khoảng cách hàng mét hoặc xuyên qua một căn phòng. Tôi không nói điều đó không thể xảy ra, nhưng tôi cho rằng nguy cơ nhiễm bệnh lớn nhất vẫn là khi tiếp xúc gần với ai đó," giáo sư Jonathan Reid thuộc Trung tâm Nghiên cứu Aerosol thuộc Đại học Bristol và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

"Khi bạn di chuyển ra xa, aerosol sẽ loãng hơn và virus lây lan cũng ít hơn, bởi virus sẽ mất khả năng lây nhiễm theo thời gian," Reid giải thích thêm.

Nghiên cứu mới công bố phát hiện quan trọng về SARS-CoV-2: Virus mất 90% lây nhiễm trong 20 phút sau khi bay vào không khí
Ảnh minh họa

Cho tới hiện tại, giả định của con người về việc virus tồn tại dưới dạng giọt bắn li ti trong không khí được bao lâu được đưa ra dựa trên các nghiên cứu liên quan tới phun virus vào các bình kín gọi là trống Goldberg, được xoay chuyển liên tục để giữ giọt bắn trong không khí.

Sử dụng biện pháp này, các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện ra rằng virus lây nhiễm vẫn được phát hiện sau ba giờ đồng hồ. Tuy vậy thử nghiệm như vậy không lặp lại chính xác những gì diễn ra khi con người ho hoặc hắt hơi.

Thay vào đó, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bristol phát triển một thiết bị cho phép họ tạo ra các hạt nhỏ chứa virus và cho chúng lơ lửng giữa hai dòng điện trong khoản thời gian từ 5 giây tới 20 phút, trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và cường độ tia UV môi trường được kiểm soát chặt chẽ.

"Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể mô phỏng chính xác những gì xảy ra với aerosol trong quá trình hô hấp," giáo sư Reid cho hay.

Nghiên cứu chỉ ra rằng khi hạt chứa virus rời môi trường tương đối ẩm và giàu CO2 của phổi người, chúng sẽ nhanh chóng mất nước và bị khô, trong khi việc hạ mức độ CO2 thường liên quan tới pH tăng nhanh. Cả hai yếu tố này làm gián đoạn khả năng virus xâm nhập tế bào con người, tuy vậy tốc độ mất nước của các hạt này thay đổi theo độ ẩm tương đối của môi trường xung quanh.

Khi độ ẩm ở mức dưới 50%, tương tự với không khí khô ở môi trường văn phòng, virus mất một nửa khả năng lây lan trong năm giây, sau đó mức độ giảm lây lan chậm hơn ở mức 19% trong năm phút kế tiếp.

Ở độ ẩm 90%, tương tự không khí trong nhà tắm, mức độ lây lan của virus giảm chậm hơn. 52% các hạt virus vẫn có thể lây nhiễm sau 5 phút, nhưng giảm xuống chỉ còn 10% sau 20 phút.

Tuy vậy, nhiệt độ không khí không tạo ra sự khác biệt về khả năng lây nhiễm của virus, trái ngược với niềm tin thông thường rằng nhiệt độ càng cao thì virus lây lan càng chậm.

"Điều này có nghĩa là nếu tôi gặp gỡ bạn bè để ăn trưa hôm nay, nguy cơ chính sẽ là tôi lân nhiễm virus cho các bạn của tôi hoặc ngược lại, thay vì ai đó ở đầu bên kia căn phòng lây bệnh cho tôi," Reid giải thích.

Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang trong những trường hợp không thể duy trì khoảng cách, ông nói thêm.

Các phát hiện củ nghiên cứu ủng hộ những gì các nhà dịch tễ học đã quan sát được tại thực địa, theo tiến sĩ Julian Tang thuộc Đại học Leicester.

"Khẩu trang rất hiệu quả... và giãn cách xã hội cũng vậy. Tăng cường thông gió cũng có ích, đặc biệt là ở gần nguồn lây bệnh," Tang nói thêm.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật