Các nhà nghiên cứu ở Thượng Hải (Trung Quốc) và New York (Mỹ) cảnh báo khả năng virus gây bệnh Covid-19 có thể tấn công hệ miễn dịch của con người, gây tổn thương tương tự như ở các bệnh nhân HIV, theo báo SCMP.
Hai nhà nghiên cứu Lu Lu thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải và Jang Shibo ở Trung tâm Máu New York, đã tiến hành cấy virus SARS-CoV-2 lên tế bào lympho T. Tế bào lympho T, hay còn được gọi tắt là tế bào T, đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và tiêu diệt các virus xâm nhập vào cơ thể người.
Họ làm điều này bằng cách khoan lỗ trên màng tế bào nhiễm virus và tiêm chất độc vào tế bào. Chất độc này sau đó tiêu diệt virus và tế bào nhiễm bệnh.
Các nhà khoa học ngạc nhiên khi thấy tế bào T trở thành "con mồi" cho virus corona trong thí nghiệm của họ. Họ phát hiện cấu trúc đặc biệt trong protein hình gai của virus dường như đã gây ra hiện tượng hợp nhất của lớp vỏ virus với màng tế bào khi tiếp xúc.
Gene của virus sau đó đã xâm nhập tế bào T, loại bỏ chức năng bảo vệ con người của nó.
Các nhà nghiên cứu tiến hành thí nghệm tương tự với virus SARS-CoV gây ra Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng (SARS), tuy vậy cho rằng virus này không có khả năng xâm nhập tế bào T.
Họ nghi ngờ rằng lý do virus SARS-CoV không có khả năng xâm nhập tế bào T là bởi nó không thể hợp nhất với màng tế bào. Virus SARS-CoV chỉ có thể xâm nhập vào các tế bào có tụ thể protein gọi là enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2), và ở các tế bào T rất ít có ACE2.
Việc tiếp tục nghiên cứu về khả năng xâm nhập tế bào T của virus SARS-CoV-2 sẽ "gợi mở những ý tưởng mới về cơ chế gây bệnh và các biện pháp điều trị," các nhà khoa học viết trên trên nghiên cứu được đăng tải trên tuần san Cellular & Molecular Immunology.
Một bác sĩ công tác ở một bệnh viện được chỉ định điều trị bệnh nhân Covid-19 cho biết kết quả nghiên cứu là bằng chứng cho những lo ngại của ngành y tế về việc virus corona đôi lúc có hành vi tương tự các virus tấn công hệ miễn dịch của con người.
"Ngày càng nhiều người so sánh virus này với HIV," vị bác sĩ nói với tờ SCMP.
Hồi tháng 02, Chen Yongwen và các đồng nghiệm tại Viện Nghiên cứu Miễn dịch học Trung Quốc đăng tải báo cáo về việc số lượng tế bào T của bệnh nhân Covid-19 giảm rõ rệt, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc người được điều trị tích cực. Số lượng tế bào T càng thấp, nguy cơ tử vong càng cao.
Báo cáo này sau đó được xác nhận bởi quá trình khám nghệm tử thi hơn 20 bệnh nhân. Hệ miễn dịch của những người này đều bị phá hủy gần như hoàn toàn, truyền thông Trung Quốc đưa tin. Các bác sĩ cho biết tổn thương trên nội tạng của các bệnh nhân này giống như sự kết hợp của SARS và AIDS.
Gene gây ra sự hợp nhất của virus SARS-CoV-2 không được tìm thấy ở các chủng virus corona khác ở người hoặc động vật. Tuy vậy một số virus nguy hiểm như HIV và Ebola có những trình tự gene tương tự, gây lo ngại rằng chủng virus corona mới này có thể đã lây lan ở con người một thời gian dài trước khi bùng phát thành đại dịch.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý về điểm khác biệt lớn giữa SARS-CoV-2 và HIV. Theo đó, HIV có thể nhân bản trong tế bào T, biến chúng trở thành nơi sinh sôi để tiếp tục xâm nhập các tế bào khác. Lu và Jiang không nhận thấy sự sinh sôi của virus corona trong tế bào T, có thể virus và tế bào T đã chết cùng nhau.
Nghiên cứu cũng đặt ra nhiều câu hỏi mới, chẳng hạn như hiện tượng nhiều bệnh nhân không có triệu chứng trong một thời gian sau khi nhiễm virus. Virus tương tác như thế nào với tế bào T ở những trường hợp này vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Bên cạnh đó, các bệnh nhân nguy kịch có thể gặp hiện tượng bão cytokine, khi hệ miễn dịch của họ phản ứng quá mạnh và tấn công các tế bào khỏe mạnh. Virus SARS-CoV-2 đã gây ra hiện tượng này như thế nào, hiện các nhà khoa học chưa hiểu hết.
Tố Linh (Nguoiduatin.vn)