Các biến chủng virus SARS-CoV-2 mang đột biến N440K được phát hiện tại Ấn Độ có thể gây chết chóc gấp 15 lần, báo chí nước này đưa tin.
Các nhà khoa học tại Trung tâm Sinh học Tế bào và Phân tử Ấn Độ (CCMB) phát hiện nhánh biến chủng virus SARS-CoV-2 có đột biến gai N440K không phải là các biến chủng phổ biến trong làn sóng Covid-19 thứ hai vốn khiến nước này ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm và hơn 3.000 trường hợp tử vong mỗi ngày trong những ngày qua.
Giới chuyên gia nhận định biến chủng N440K có thể gây chết chóc gấp 15 lần so với các chủng trước đó. Họ cho rằng biến chủng này thậm chí mạnh hơn hai biến chủng Ấn Độ khác là B1.617 và B1.618.
Tuy N440K là một biến chủng gây lo ngại ở miền Nam Ấn Độ trong và sau làn sóng Covid-19 thứ nhất diễn ra hồi năm ngoái, dữ liệu hiện tại cho thấy nó đang được thay thế bởi các biến chủng B.1.617 và B.1.1.7 (hay còn gọi là biến chủng Anh).
Khi so sánh các dữ liệu Covid-19 tại bang Maharastra, các nhà nghiên cứu phát hiện biến chủng B.1.617 xuất hiện nhiều hơn trong tháng 02, thay vì tháng 03/2021 như nhận định trước đó. Trong khi đó, biến chủng N440K có chiều hướng xuất hiện ít đi.
"Thời điểm biến chủng B.1.617 xuất hiện dày đặc hơn trùng khớp với làn sóng lây nhiễm thứ hai được ghi nhận tại các bang," Divya Tej Sowpati, thành viên CCMB cho biết.
Theo ông Divya Tej Sowpati, tại Maharastra, một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Ấn Độ, làn sóng lây nhiễm thứ hai bắt đầu sớm hơn so với bốn bang ở miền Bắc khoảng gần một tháng rưỡi. Vào thời điểm này, B.1.617 xuất hiện dày đặc, trong khi N440K có chiều hướng ít đi đáng kể.
"Tại Kerala, dù không có nhiều dữ liệu, chúng tôi có thể thấy trên trang web genescov2.genomes.in rằng B.1.1.7 đang xuất hiện nhiều hơn, trong khi N440K chỉ chiếm khoảng chưa tới 20% số bộ gene," ông giải thích thêm.
Hồi tháng 06/2020, biến chủng virus SARS-CoV-2 mang đột biến D614G được xác định phổ biến nhất trong đại dịch. Tuy vậy sau đó nhiều biến chủng khác đã xuất hiện và gây lo ngại như B.1.1.7 (lần đầu phát hiện tại Anh), P.1 (lần đầu phát hiện tại Brazil), B.1.351 (lần đầu phát hiện tại Nam Phi).
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)