Kết quả trên được ghi nhận trong cả làn sóng lây nhiễm biến thể Delta và Omicron. Dù khả năng bảo vệ giảm dần, nhưng mũi vaccine thứ 3 vẫn có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh diễn biến nặng.
Trước nghiên cứu trên, có ít nghiên cứu về thời gian bảo vệ sau mũi tiêm thứ 3, nhất là trong giai đoạn các biến thể Delta hoặc Omicron chiếm vị trí chủ đạo tại Mỹ.
Đồng tác giả nghiên cứu trên, Tiến sĩ Brian Dixon, từ Trường Y tế cộng đồng Richard M. Fairbanks thuộc Đại học Indiana, cho biết: "Các vaccine mRNA, bao gồm mũi tiêm tăng cường, rất có hiệu quả, nhưng hiệu quả giảm dần theo thời gian. Phát hiện của chúng tôi cho thấy có thể cần các mũi tiêm bổ sung để duy trì hiệu quả phòng ngừa COVID-19, đặc biệt là đối với các đối tượng có nguy cơ cao".
Nhìn chung, nghiên cứu trên chỉ ra rằng những người đã tiêm mũi thứ 2 và mũi thứ 3 một vaccine mRNA phòng ngừa nguy cơ nhập viện (mắc bệnh nặng) tốt hơn so với phòng ngừa mắc bệnh với các triệu chứng nhẹ không cần nhập viện. Hiệu quả của vaccine trong làn sóng lây nhiễm Omicron nhìn chung thấp hơn so với làn sóng lây nhiễm Delta.
Trong làn sóng lây nhiễm Delta (mùa Hè và đầu Thu năm 2021), hiệu quả của vaccine đối với bệnh nhẹ giảm từ 97% trong 2 tháng đầu kể từ khi tiêm mũi tăng cường xuống còn 89% sau 4 tháng. Trong làn sóng Omicron (cuối Thu năm 2021 và mùa Đông 2021-2022), hiệu quả của vaccine đối với bệnh nhẹ là 87% trong 2 tháng đầu sau mũi tiêm thứ 3, giảm xuống còn 66% sau 4 tháng.
Sau mũi thứ 3, khả năng phòng ngừa nguy cơ nhập viện liên quan đến Delta là 96% trong 2 tháng đầu, giảm xuống còn 76% sau 4 tháng. Hiệu quả của vaccine phòng ngừa nguy cơ nhập viện liên quan đến Omicron là 91% trong 2 tháng đầu, giảm xuống còn 78% sau 4 tháng.
Theo Bích Liên (Báo Tin Tức)