Biến chủng lây nhiễm nhanh Omicron xuất hiện gần một năm trước, và các biến thể của nó xuất hiện phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới, theo Daily Mail.
Omicron và các biến thể của nó nhìn chung gây bệnh nhẹ hơn so với các phiên bản trước đây của virus SARS-CoV-2. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng chủng virus này đã đạt đến ngưỡng tiến hóa, nghĩa là giống như các virus trước đây, SARS-Cov-2 đã đột biến để lây lan nhanh hơn và gây bệnh nhẹ hơn.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu tại Nam Phi cho rằng virus vẫn có khả năng trở nên chết chóc hơn, sau khi xem xét trường hợp một bệnh nhân HIV bị suy giảm miễn dịch đã nhiễm virus sáu tháng.
Qua thời gian, virus tiến hóa để khiến tế bào chết và sáp nhập tế bào, dẫn tới việc phổi bệnh nhân bị viêm nhiều hơn. Những hiện tượng này giống với chủng Covid-19 ban đầu hơn là biến thể Omicron, theo giáo sư Alex Sigal, người đứng đầu nghiên cứu.
Bệnh nhân được nghiên cứu là một trong những người nhiễm chủng Omircon lâu nhất. Chủng Omicron từng được biết đến có khả năng tiến hóa ở những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng.
Các bệnh nhân suy giảm miễn dịch không thể đào thải hết virus ra ngoài, khiến virus tiếp tục nhân bản và đột biến trong cơ thể họ qua một thời gian, trước khi lây nhiễm cho người khác.
Nghiên cứu kể trên được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Y tế Châu Phi ở Durban (Nam Phi). Các nhà khoa học đã xem xét các mẫu máu lấy từ bệnh nhân HIV nhiễm Omicron trong sáu tháng.
Nhóm nghiên cứu đã giải mã trình tự bộ gene từ máu của bệnh nhân không lâu sau khi người này được chẩn đoán mắc Covid-19, và sau đó tiếp tục lấy mẫu để giải mã ở thời điểm một tháng và ba tháng. Họ chú ý tới sự biến đổi về gene của virus, cũng như cách các tế bào của bệnh nhân phản ứng. Dần dần theo thời gian, hiện tượng tế báo chết diễn ra thường xuyên hơn.
Khi bệnh nhân mới mắc Omicron, khoảng 4% tế bào nhiễm virus bị chết, tức là lượng tế bào chết chỉ bằng 1/3 so với chủng Covid-19 ban đầu ở Vũ Hán (Trung Quốc).
Sau sáu ngày, lượng tế bào chết tăng lên khoảng 6%, và tới ngày 20, lượng tế bào chiết chiếm khoảng 7% tổng số tế bào nhiễm virus.
Tới ngày 190, lượng tế bào chết đã tăng đến gần 10%, ngang bằng với chủng virus ở Vũ Hán.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)