Sharif Uddin là công nhân nhập cư người Bangladesh đang sống và làm việc ở Singapore.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vào dịp cuối tuần, Uddin thường cùng bạn bè rời khỏi khu ký túc xá chật chội dành cho công nhân nhập cư để ra ngoài thư giãn. Nhưng từ khi dịch Covid-19 hoành hành trong gần 2 năm qua, anh bị mắc kẹt trong khu nhà.
"Chúng tôi như bị cầm tù"
Hơn 300.000 công nhân nhập cư, nhiều người trong số họ đến từ các quốc gia Nam Á, hiện đang sống trong các ký túc xá chật chội, đông đúc ở đảo quốc thịnh vượng này. Tại đây, họ phải sống và sinh hoạt chung với rất nhiều người trong những phòng ở chật cứng và ngủ giường tầng.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các khu ký túc xá này trở thành ổ dịch lớn và phức tạp nhất của Singapore, khiến nước này phải thắt chặt kiểm soát phong tỏa, trong khi các biện pháp hạn chế được thực hiện trên toàn quốc trong một thời gian để ngăn chặn tình trạng dịch bệnh lây lan.
Hiện nay, trong bối cảnh chính phủ Singapore quyết định "sống chung với Covid-19", hầu hết các biện pháp hạn chế phong tỏa đã được nới lỏng bất chấp thực tế nước này đang phải đối mặt với làn sóng dịch mới. Những người tiêm vắc xin đầy đủ đã có thể đi mua sắm và đến nhà hàng, biên giới cũng đang dần mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, với những người lao động nhập cư thu nhập thấp, đó lại là một bức tranh hoàn toàn khác. Họ vẫn phải chịu những hạn chế nghiêm ngặt hơn rất nhiều, hầu hết chỉ được phép đi lại giữa nơi làm việc và nơi ở của bản thân.
"Đó là một cuộc sống rất khốn khổ... giống như trong tù", anh Uddin - hiện đang làm công nhân công trường ở Singapore chia sẻ. Trước khi xảy ra đại dịch, anh thường gặp bạn bè vào cuối tuần để uống cà phê, ngâm thơ và nói chuyện phiếm.
"Chúng tôi chỉ được phép đi làm và về nhà, không được tới lui hay đến nơi nào khác. Giống như bị quản thúc tại gia vậy", Uddin nói.
Ngoài giờ làm, những lao động nhập cư thỉnh thoảng được phép đến các "trung tâm giải trí" được xây dựng đặc biệt, thường bao gồm các cửa hàng bố trí xung quanh quảng trường và cơ sở thể thao.
"Không được coi là con người"
Khi các ký túc xá – thường là khép kín và nằm ở những khu vực hẻo lánh của Singapore - trở thành tâm điểm của làn sóng Covid-19 đầu tiên ở nước này vào năm ngoái, nó đã làm dấy lên những tranh cãi gay gắt liên quan đến vấn đề lao động nhập cư, cuộc sống khốn khó của họ và khiến nhiều người phải tự vấn lương tâm.
Suốt nhiều thập kỷ qua, đã có rất nhiều lời kêu gọi cải thiện sinh kế của những người lao động nhập cư ở Singapore, vốn thường làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm như xây dựng các tòa nhà chọc trời của trung tâm tài chính, lao công tại các khu nhà cao tầng và lái xe phương tiện công cộng.
Chính phủ Singapore đã cam kết sẽ xây dựng các ký túc xá mới với nhiều tiện nghi hiện đại hơn và rộng rãi hơn cho những lao động nhập cư.
Tuy nhiên, những hạn chế liên tục mà họ - những lao động thường chỉ kiếm được từ 500-1.000 đô la Singapore (370-740 USD/tháng) ở một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới – phải đối mặt đã cho thấy thực tế khắc nghiệt: có quá ít thay đổi trong chính sách của chính phủ nước này, các nhà chỉ trích nhấn mạnh.
"Họ dường như không được xem là con người", Alex Au, Phó Chủ tịch của nhóm phi lợi nhuận Transient Workers Count chuyên bảo vệ quyền của lao động nhập cư, nói với AFP. Theo ông, những lao động nhập cư bị coi như "một loại hàng hóa kinh tế", và họ không được "trao các quyền tự do đầy đủ của một công dân".
Đối mặt với làn sóng chỉ trích, các nhà chức trách ở quốc gia 5,5 triệu dân này đã triển khai cơ chế, cho phép một lượng người nhất định thực hiện các chuyến đi có tổ chức tới các khu vực chỉ định.
Khoảng 700 người đã được ra ngoài theo chương trình này vào tháng 9 và tới tháng 10 con số này tăng lên 3.000 người mỗi tuần. Thế nhưng, so với số nhân lực lao động nhập cư khổng lồ ở nước này thì đây vẫn là một tỷ lệ rất nhỏ.
Gặp phải nhiều vấn đề tâm lý
Chính phủ Singapore cho rằng duy trì kiểm soát số lao động nhập cư này – hầu hết đến từ các quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc - là cần thiết vì họ có nguy cơ lây lan virus cao hơn do điều kiện sống, dù thực tế 98% lao động nhập cư ở các ký túc xá đã được tiêm đầy đủ, cao hơn tỷ lệ của nước này là 85%.
Phát biểu trước Quốc hội vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Lao động Tan See Leng nhấn mạnh: "Bất kỳ kế hoạch nới lỏng các hạn chế đi lại nào cũng cần phải được thực hiện một cách cẩn trọng và từ từ". Ông cũng cho biết chính quyền các nơi đã cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của các lao động nhập cư.
Nhưng điều này vẫn không khiến các lao động nhập cư ở ký túc xá như anh Amir đến từ Bangladesh - vốn luôn khao khát được tự do đi đến những nơi mình muốn – cảm thấy thoải mái. "Chúng tôi chỉ có thể đi quanh ký túc xá và công trường, không thể đi ra ngoài... Tôi nhớ thiên nhiên, không gian thoáng đãng".
Đối với anh Uddin, những chương trình thay đổi của chính phủ Singapore là đã quá muộn bởi hầu hết những người lao động nhập cư đều sống trong tình trạng ngày càng căng thẳng. "Chúng tôi đang phải đối mặt với các vấn đề tâm lý", anh Uddin cho rằng Singapore đã vi phạm "các quyền cơ bản của họ với tư cách là người lao động và cả con người".
"Một con người không thể sống lành mạnh với kiểu bị giam cầm này", anh buồn bã nói.
Theo Nam Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)