Trung Quốc được xem là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, với hàng ngàn năm lịch sử cực kì phong phú và bí ẩn. Xuyên suốt quá trình phát triển của mình, người Trung Hoa cổ đã tạo nên nhiều kho báu bảo vật vô cùng quý hiếm, có giá trị rất lớn với hậu thế.
Một số cổ vật, đứng trên phương diện kỹ thuật mà nói, vô cùng hiện đại, khiến người ta khó có thể tin rằng nó được làm từ cách đây hàng ngàn năm. Thậm chí, nhiều người còn tin vào giả thuyết 'xuyên không', ám chỉ rằng những bảo vật này là sản phẩm của một nền công nghệ hiện đại, nhưng đi ngược thời gian để trở về quá khứ.
Đầu tiên phải kể đến chiếc cốc pha lê thời Chiến Quốc. Đầu những năm 1990, có một công nhân nhà máy gạch ở thị trấn Bán Sơn, tỉnh Hàng Châu, khi chuẩn bị công việc nung gạch, anh vô tình tìm thấy một cái lỗ hang nhỏ có đường kính dưới một mét. Ngay lập tức phát hiện này được báo cáo cho văn phòng di tích văn hóa địa phương.
Sau khi các chuyên gia khảo cổ của Cục di tích văn hóa tới kiểm tra và tìm hiểu, họ xác nhận đây là một ngôi mộ cổ trong thời Chiến Quốc. Bất ngờ hơn, khi miệng hố được đào xuống độ sâu 1 mét từ mặt đất, có một ánh sáng rực rỡ phát ra từ phía dưới. Chẳng mấy chốc, chiếc cốc pha lê này lộ diện và được đưa về bảo tàng nhằm phục vụ công tác nghiên cứu ngay lập tức.
Bảo vật thứ 2 là chiếc thước cặp làm từ đồng xanh, được phát minh bởi kẻ phản loạn Vương Mãng, triều đại nhà Hán. Công dụng của chiếc thước cặp này là để đo chính xác chiều dài, chiều rộng và chiều cao của vật thể.
Nếu như không nói đây là chiếc thước cặp của 2000 năm trước, nhiều người sẽ cho rằng đây là chiếc thước cặp được làm trong thời hiện tại. Bởi nó tiên tiến đến nỗi, người phương Tây đã sử dụng loại vật này hơn một nghìn năm sau. Hiện tại, chiếc thước đồng này được lưu giữ trong Bảo tàng Dương Châu.
Bảo vật thứ ba, cũng vô cùng tinh xảo. Đó là chiếc đôn của Tăng Hậu Ất – Quốc quân của Tăng quốc thời Chiến quốc. Đôn là một cấu trúc phức tạp gồm hai phần: phần trên được gọi là đôn bằng đồng, đúc 28 con rồng, cao 30,1 cm, đường kính trong 25 cm, đường kính đáy 14,2 cm, nặng 9 kg. Phần dưới là một vật thể dạng đĩa , được đúc 56 con rồng, cao 23,5 cm, đường kính lòng trong 58 cm, nặng 19,2 kg .
Sở dĩ chiếc đôn này được ví như một bảo vật 'xuyên không', là kho báu độc nhất vô nhị trên thế giới là bởi kết cấu phức tạp và tinh xảo của nó. Đặc biệt đến nỗi, không một chuyên gia nào có thể phục chế bản sao.
Ngọc Linh (SHTT)