Nghi vấn tỷ phú gốc Hoa dùng tiền can thiệp chính trị Australia

13/06/2017 09:17:00

Việc tỷ phú gốc Hoa đổ tiền tài trợ tranh cử ở Australia làm dấy lên lo ngại họ có thể can thiệp vào chính trị nước này.

Việc tỷ phú gốc Hoa đổ tiền tài trợ tranh cử ở Australia làm dấy lên lo ngại họ có thể can thiệp vào chính trị nước này.

nghi-van-ty-phu-goc-hoa-dung-tien-can-thiep-chinh-tri-australia

Khi Mỹ đang điều tra nghi án Nga tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái, Australia cũng đang tranh cãi dữ dội về việc hệ thống chính trị  nước này dễ tổn thương như thế nào trước tác động của nước ngoài và liệu Trung Quốc đã can thiệp vào nền chính trị Australia hay chưa.

Nghi án về sự can thiệp của Trung Quốc vào nền chính trị là vấn đề nhạy cảm ở Australia, đồng minh quan trọng của Mỹ nhưng đang hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh và đón chào đông đảo các nhà đầu tư cũng như người nhập cư Trung Quốc đến Australia. Giới lãnh đạo ở Australia nhìn chung thường ngần ngại bàn luận thẳng thắn về vấn đề này, theo New York Times.

Tuy nhiên, giờ đây Australia đặt ra câu hỏi là làm thế nào một xã hội đa văn hóa kiểm soát một thế lực nước ngoài như Trung Quốc, nước từng huy động cộng đồng Hoa kiều ở hải ngoại ủng hộ các mục tiêu của Bắc Kinh và làm thế nào Australia có thể làm điều đó mà không bị mang tiếng cổ xúy cho chủ nghĩa bài ngoại, khiến người dân đối xử với tất cả mọi người gốc Hoa với thái độ ngờ vực.

Thách thức nghiêm trọng

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm biến sức mạnh kinh tế thành sức ảnh hưởng chính trị từng gây ra lo ngại ở nhiều nước. Tuy nhiên, thách thức này đặc biệt nghiêm trọng ở Australia, các cây bút của New York Times nhận định.

Nhiều người Australia xem mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng trong tương lai của họ. Australia là mục tiêu đặc biệt hấp dẫn đối với Trung Quốc vì giá trị chiến lược của Australia ở Thái Bình Dương và vì các khoản tài trợ nước ngoài dành cho các đảng chính trị ở Australia vừa hợp pháp vừa khó truy gốc tích, trong một hệ thống tài trợ vận động chính trị lỏng lẻo, không rõ ràng.

Trái lại, các khoản tài trợ từ nước ngoài như vậy hầu hết bị cấm ở Mỹ, Canada và ở phần lớn châu Âu.

"Không phải vì Trung Quốc quá chủ động mà vì Australia quá cởi mở trong một số khía cạnh, do đó họ dễ bị 'tấn công' hơn", John Fitzgerald, giáo sư nghiên cứu xã hội dân sự Trung Quốc ở Đại học Công nghệ Swinburne, Melbourne, Australia, giải thích.

Lo ngại về tác động của những khoản tiền tài trợ chính trị từ Trung Quốc đã nhen nhúm trong nhiều năm và bùng lên khi có những tiết lộ mới về tỷ phú bất động sản gốc Hoa, Chau Chak Wing, một công dân Australia và Huang Xiangmo, một thường trú nhân đang xin nhập quốc tịch Australia.

Cách đây hai năm, Duncan Lewis, giám đốc Tổ chức Tình báo An ninh Australia ở Canberra, Australia khuyến cáo các đảng chính trị lớn không nên nhận các khoản đóng góp từ hai doanh nhân này vì họ có mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc, theo một bản tin của hãng truyền thông Fairfax Media và chương trình bình luận các vấn đề thời sự Four Corners trên ABC.

Tuy nhiên, đảng Tự do và các đối tác trong liên minh cầm quyền ở Australia tiếp tục nhận những khoản tiền này. Các hãng truyền thông phát hiện hai doanh nhân Wing và Xiangmo cùng bạn bè đã tài trợ chính trị ít nhất 5 triệu USD ở Australia trong những năm gần đây, bao gồm 820.000 USD kể từ sau khi Lewis đưa ra lời khuyến cáo.

Tuy nhiên, tiết lộ đáng chú ý nhất xoay quanh một cam kết đóng góp chưa thực hiện. Trước thềm cuộc tổng tuyển cử ở Australia năm ngoái, ông Xiangmo cam kết đóng góp thêm 300.000 USD cho đảng đối lập Lao Động, một trong hai đảng lớn nhất ở Australia. Vài tuần trước ngày bầu cử, ông rút lại cam kết với lời giải thích ông lo ngại trước tuyên bố của một quan chức đảng này nói rằng Australia nên gửi tàu tuần tra đến Biển Đông để thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở đây, bản tin của Fairfax Media và Four Corners cho biết.

Lầu Năm Góc đã hối thúc Australia tham gia cùng hải quân Mỹ trong những chuyến tuần tra như vậy nhưng chính phủ Australia chưa nhận lời.

nghi-van-ty-phu-goc-hoa-dung-tien-can-thiep-chinh-tri-australia-1

Chau Chak Wing (phải) và cựu thủ tướng Australia John Howard. Ảnh: SMH

Nguồn tài trợ chính trị từ nước ngoài lớn nhất

Hôm 6/6, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói rằng ông đang chuẩn bị đưa ra luật cấm các khoản đóng góp tài trợ chính trị từ nước ngoài. "Trung Quốc phải luôn tôn trọng chủ quyền của nước khác, bao gồm chủ quyền của chúng ta", ông nói.

Song vấn đề rộng lớn hơn có thể là vai trò của những khoản tiền tài trợ lớn trong nền chính trị Australia. Các hoạt động tài trợ cho các cuộc vận động tranh cử phần lớn không được kiểm soát, không có quy định giới hạn về mức gây quỹ, đóng góp hay chi tiêu cho vận động chính trị. Những người chỉ trích nói rằng điều này đã dẫn đến văn hóa lũng đoạn mềm mà những nhà tài trợ Trung Quốc tìm cách khai thác.

Ở cấp liên bang, phải mất từ 7-19 tháng công chúng mới có thể biết các đảng đã gây quỹ được bao nhiêu và từ ai. Các nhà tài trợ chỉ được nêu tên nếu họ đóng góp 10.000 USD trở lên. Do vậy, nhiều cá nhân, doanh nghiệp có thể đóng góp ẩn danh nhiều lần miễn là số tiền nằm dưới ngưỡng đó. Đồng thời, các chính trị gia Australia cũng không bị yêu cầu giải thích họ làm gì với các khoản đóng góp mà họ nhận được.

"Những gì chúng ta có là một màn dày bí mật bao phủ các khoản tài trợ chính trị ở cấp liên bang. Tôi cho rằng điều này rõ ràng làm tăng cảm nhận về sự lũng đoạn và tác động không chính đáng trong nền chính trị Australia", Joo-Cheong Tham, phó giáo sư ở Đại học Luật Melbourne, nhận xét.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng bày tỏ lo ngại của Washington về vấn đề này sau các cuộc gặp với các quan chức Australia ở Sydney hôm 5/6.

"Chúng ta không thể cho phép Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để tác động, giúp nước này thoát ra khỏi các vấn đề khác", ông nói.

Một bản tin ABC vào năm ngoái kết luận rằng các doanh nghiệp và các cá nhân "có liên hệ với Trung Quốc" đã đóng góp tài trợ hơn 5,5 triệu đô la Australia cho các đảng chính trị lớn ở nước này giai đoạn 2013-2015, "đưa họ trở thành nguồn tài trợ lớn nhất có liên quan đến nước ngoài".

Người Australia gốc Hoa bị ngờ vực

Định nghĩa thuật ngữ "mối liên hệ với Trung Quốc" là vấn đề gây tranh cãi ở Australia. Hơn 4% dân số Australia là người có gốc gác Trung Quốc và những người Australia gốc Hoa thường đối diện với sự ngờ vực khi họ đầu tư hay tham gia chính trị.

"Chúng ta phải cẩn trọng với định nghĩa 'người nước ngoài' vì nếu chúng ta cho rằng 'người nước ngoài' là người sinh ra ở nước ngoài, họ sẽ bao gồm rất nhiều người Australia và cả bản thân tôi. Việc đó sẽ tước quyền công dân của những người là thành viên hợp pháp trong cộng đồng này", phó giáo sư Joo-Cheong Tham nói.

Tiến sĩ Chau, người nhập cư vào Australia cách đây nhiều thập kỷ là một trong những những nhà tài trợ chính trị bị cơ quan tình báo Australia để ý. Từ lâu ông đã khẳng định các khoản đóng góp vận động tranh cử của ông là lành mạnh và không liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, lý lịch lại cho thấy ông có các mối quan hệ chặt chẽ với giới chức Trung Quốc và các mối quan hệ chính trị ở Australia sẽ nâng cao vị thế của ông ở Bắc Kinh.

Kingold Group, tập đoàn của Chau, và đế chế bất động sản rộng lớn của nó có trụ sở ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Ông cũng đầu tư vào một tờ báo ở thành phố này, khiến ông bị nghi ngờ có liên hệ đến bộ máy tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc. Ngoài ra, ông còn là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Trong khi đó, tỷ phú bất động sản Huang Xiangmo chuyển đến định cư ở Australia cách đây 6 năm và đang nắm giữ chức chủ tịch Hội đồng Australia về thúc đẩy thống nhất hòa bình Trung Quốc, tổ chức có sứ mệnh thúc đẩy chính sách ngoại giao của Bắc Kinh, bao gồm việc xem Đài Loan là một phần của Trung Quốc cũng như phản đối nền độc lập cho Tây Tạng.

Dù các lập trường đó phổ biến trong cộng đồng người Hoa ở Australia nhưng với tài sản khổng lồ bao gồm các cổ phần ở tập đoàn Yuhu hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp cho đến các khu mua sắm, tiếng nói của Xiangmo sẽ gây chú ý hơn.

Trong một bài xã luận trên báo nhà nước Trung Quốc năm ngoái, Xiangmo nói rằng các bài báo cáo buộc khoản đóng góp của người Trung Quốc gây lũng đoạn nền chính trị Australia mang tính thành kiến chủng tộc. Ông cho rằng nhà chức trách ở Australia mong muốn cộng đồng người Hoa ở Australia bày tỏ lòng kính trọng các chính trị gia bằng các tài trợ nhưng không được đả động đến các vấn đề chính sách. Ông hối thúc mọi người hãy lên tiếng thay vì giữ thái độ im lặng.

"Người Hoa nhận ra rằng tiếng nói của họ cần được lắng nghe trong giới chính trị để thúc đẩy nhiều lợi ích hơn cho họ", ông nói.

Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 6/6, Xiangmo bác bỏ cáo buộc các khoản đóng góp của ông có liên quan đến chính sách đối ngoại. "Tôi không trông đợi sự đền đáp nào. Dù một số người tìm cách củng cố các lập luận tiêu cực về sự can dự chính trị của người Hoa ở Australia, tôi vẫn cam kết theo đuổi nhiều mục đích tích cực hơn", ông nói.

Chen Yonglin, một cựu quan chức lãnh sự Trung Quốc ở Australia, người từ bỏ quốc tịch Trung Quốc năm 2005, nói rằng các khoản đóng góp được tiết lộ cho đến nay "rất nhỏ so với những giao dịch ngầm", bao gồm những chuyến du lịch miễn phí đến Trung Quốc và các món quà không thể truy ra nguồn gốc.

Cơn giận dữ của dư luận ở Australia đang tập trung vào hiện tượng một số nhà chính trị Australia làm việc cho các công ty Trung Quốc sau khi rời nhiệm sở. Cựu Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb, người dẫn dắt cuộc đàm phán hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc, được cho là đã ký hợp đồng làm việc bán thời gian với một tỷ phú Trung Quốc với mức lương hơn 650.000 USD/năm.

nghi-van-ty-phu-goc-hoa-dung-tien-can-thiep-chinh-tri-australia-2

Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb (phải) ký hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc vào năm 2015. Ảnh: SMH

Tác động đến các học viện

Sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc đối với các học viện ở Australia cũng đang bị giám sát, khi các trường đại học ngày càng phụ thuộc vào học phí của du học sinh Trung Quốc và các khoản đóng góp từ mạnh thường quân Trung Quốc. Mối lo ngại của Australia là Bắc Kinh đang sử dụng sức ảnh hưởng này để dập tắt các lập trường chỉ trích Trung Quốc.

Chẳng hạn, tiến sĩ Chau đã tặng 15 triệu USD cho Đại học Công nghệ Sydney để xây dựng một tòa nhà mang tên ông. Trong khi đó, Viện quan hệ Australia - Trung Quốc (ACRI) của trường này cũng được xây dựng nhờ tiền đóng góp của Xiangmo.

nghi-van-ty-phu-goc-hoa-dung-tien-can-thiep-chinh-tri-australia-3

Tòa nhà được xây dựng bởi tiền ủng hộ của Chau Chak Wing ở Đại học Công nghệ Sydney và cũng được đặt tên theo doanh nhân này. Ảnh: Paul Miller

Cựu ngoại trưởng Australia Bob Carr, người đứng đầu ACRI, cho rằng viện này không chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Feng Chongyi, giáo sư ở Đại học Công nghệ Sydney, người thường chỉ trích Trung Quốc, cho rằng ACRI liên tục phớt lờ những nỗ lực tham gia đóng góp ý kiến của ông.

Giáo sư Chongyi cho rằng Australia cần phải quyết định liệu tiền bạc hay các giá trị làm nên nền chính trị của nước này.

"Vấn đề là liệu bạn có sẵn sàng hy sinh để đấu tranh chống lại những xu hướng này. Nếu bạn không giữ gìn các giá trị cốt lõi thì chính trị chỉ hoàn toàn là công việc kinh doanh", ông cảnh báo.

Theo Hồng Vân (VnExpress.net)

Nổi bật