Thông tin về vụ tấn công tên lửa vào sở chỉ huy của Quân đội Ukraine ở khu vực Chasov Yar đã được xác nhận. Thị trấn chiến lược này, nơi đã được biến thành trung tâm phòng thủ quan trọng ở phía tây Bakhmut, đang bị quân Nga tấn công rất quyết liệt bằng hỏa lực.
Có thông tin cho rằng, cuộc tấn công của Quân đội Nga vào sở chỉ huy Quân đội Ukraine gần Chasov Yar bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M. Mặc dù sở chỉ huy được bố trí dưới hầm ngầm, nhưng tọa độ đã được tình báo Nga xác định chính xác.
Theo thông tin mới nhất được trang Topwar của Nga đăng tải, chính tại sở chỉ huy này, trước khi diễn ra cuộc tấn công bằng tên lửa Iskander của Nga, một số cố vấn quân sự NATO đã đến đây để tham gia vào việc lập kế hoạch phòng thủ của Ukraine trên khu vực hướng tây Bakhmut.
Trong bối cảnh đó, người ta đặc biệt chú ý đến tuyên bố của phía Ba Lan về cái chết của tướng quân đội Adam Marczak. Trang Topwar cũng đã thông tin điều này vào ngày 26/3, nhưng truyền thông Ba Lan cho rằng, cái chết của tướng Marczak là “bất ngờ do nguyên nhân tự nhiên”.
Tướng Marczak trước khi trở thành người đứng đầu Cục tình báo và tác chiến điện tử, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ba Lan, ông từng công tác tại Bộ tư lệnh của Tổng cục lực lượng đặc biệt Ba Lan.
Tướng Marczak tốt nghiệp Trường Sĩ quan cao cấp lực lượng cơ giới ở Krakow (Ba Lan). Ông từng là chỉ huy Lữ đoàn 25 Không kỵ và Lữ đoàn Dù số 6 của Quân đội Ba Lan. Sau đó ông từng giữ các vị trí chỉ huy trong vài trò là sĩ quan cao cấp NATO ở Bosnia và Afghanistan.
Trong khi đó, một số nguồn tin của Ba Lan còn nói rằng, tướng Marczak đã chết “khi đang làm nhiệm vụ”. Về vấn đề này, giả thuyết rằng tướng Marczak có thể nằm trong số các sĩ quan cấp cao của NATO được cử đến Chasov Yar để bàn kế hoạch tác chiến.
Nếu Nga có tên lửa Iskander chuyên dùng trong các cuộc tập kích bất ngờ, thì loại vũ khí nổi tiếng nhất tương tự bên phía Ukraine đó chính là hệ thống tên lửa cơ động cao HIMARS. HIMARS ban đầu thực sự không quá nổi tiếng, nhưng trên chiến trường Ukraine, nó bỗng trở thành “vũ khí sát thủ”.
Với tên lửa M31 dẫn đường bằng tín hiệu vệ tinh GPS, có tầm bắn tối đa 80 km, Quân đội Ukraine có thể tấn công vào các mục tiêu quan trọng, nằm sâu phía sau chiến tuyến của Nga như các sở chỉ huy, khu tập trung binh lực, các nút giao thông, kho tàng...
Quân đội Nga coi hệ thống HIMARS của Ukraine như một “cái gai chọc vào mắt” và tổ chức nhiều cuộc tấn công săn lùng HIMARS, nhưng hiệu quả không cao. Quân đội Ukraine cho biết, những gì Quân đội Nga phá hủy, thực chất là HIMARS giả, bằng cao su hoặc gỗ.
Tuy nhiên, mọi thứ gần đây đã thay đổi và quân đội Nga đã bắt đầu nắm bắt được hoạt động của những hệ thống HIMARS. Kết quả là Quân đội Nga gần đây đã phá hủy một bệ phóng HIMARS và một bệ phóng tên lửa phòng không Patriot khi chúng chưa kịp khai hỏa.
Có vẻ như Nga đã bắt đầu tìm ra biện pháp đối phó hiệu quả với HIMARS, mặc dù Quân đội Ukraine liên tục thực hiện chiến thuật cơ động “bắn và chạy”, ngụy trang kín đáo và cho HIMARS hoạt động cách chiến tuyến ít nhất là 40 km, nên Nga đã nhiều lần “vồ trượt” HIMARS.
Nguyên nhân Quân đội Nga trong thời gian qua không thể phát hiện được các hệ thống vũ khí tấn công tầm xa của Ukraine là do họ chỉ dựa vào kết quả trinh sát từ máy bay, trực thăng và trinh sát truyền thống, nên không thể theo dõi hoạt động của hệ thống HIMARS.
Nhưng tình hình hiện tại đã khác, khi Quân đội Nga có UAV trinh sát tầm trung từ Iran. Với việc bổ sung số lượng UAV của Iran, Quân đội Nga có thể tiến hành trinh sát trên diện rộng với tần suất liên tục ở tiền tuyến.
Những thông tin trinh sát từ UAV do Iran giúp đỡ, đã liên tục gửi thông tin mục tiêu về trạm chỉ huy theo thời gian thực. Khi mục tiêu xuất hiện, thông tin mục tiêu liên tục được cập nhật và khi có thời cơ, Quân đội Nga sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander để tiêu diệt HIMARS.
UAV đã được chứng minh là vũ khí thần kỳ của Ukraine chống lại Nga trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Nhưng hiện tại, với sự giúp đỡ của Iran, Quân đội Nga cũng đã có được vũ khí thần kỳ này, và hai bên lại cân bằng nhau.
Các nước phương Tây có thể chưa bao giờ tưởng tượng rằng, Iran sẽ trở thành một nhân tố quan trọng trong việc thay đổi cục diện xung đột Nga-Ukraine. Đối với Iran, họ không sợ các lệnh trừng phạt của phương Tây, vì họ đã quá quen với điều này và phương Tây chưa bao giờ dừng lại.
Nga cũng vướng vào khó khăn lớn, khi năng lực sản xuất vũ khí chính xác của họ bị bóp nghẹt trong giai đoạn đầu cuộc chiến, do phương Tây đã phát động chiến dịch ngăn chặn toàn diện Nga, trong đó quan trọng nhất là chip và các linh kiện điện tử.
Nhưng dưới sự giúp đỡ của Iran, Nga đã nhanh chóng vượt qua để lách cấm vận của phương Tây, thông qua nhập khẩu linh kiện từ quốc gia thứ ba và tự sản xuất, nên số lượng vũ khí dẫn đường chính xác của Nga đã tăng lên đáng kể, đủ đáp ứng yêu cầu của chiến trường (Nguồn ảnh: X, Reuters, Sputnik. Topwar).
Theo Tiến Minh (Kienthuc.net.vn)