Chiều ngày 10.7, trong thời gian đội cứu hộ giải cứu 4 cậu bé và huấn luyện viên còn lại mắc kẹt trong hang, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã lên tiếng nói về thông tin đội cứu hộ dùng thuốc mê để dễ dàng đưa họ ra ngoài.
Không phải tự nhiên mà Thủ tướng Thái Lan đề cập đến vấn đề này. Trước đó, một thợ lặn kỳ cựu đã đưa ra ý tưởng này và nói đó là cách dễ dàng nhất để đưa các cậu bé ra khỏi hang.
"Cách giải cứu dễ nhất là bọn trẻ gần như bất tỉnh. Chúng được đeo mặt nạ dưỡng khí và yên lặng như một gói đồ để các thợ lặn khỏi hang", Jani Santala, một thợ lặn người Phần Lan tham gia chiến dịch giải cứu nói.
Theo Santala, đây là phương pháp tối ưu nhất dù thoạt đầu nghe có vẻ đáng sợ. "Dưới góc nhìn của thợ lặn, đó là giải pháp tối ưu", Santala nói.
Trong quá trình giải cứu tại hang Tham Luang, các phóng viên nước ngoài quan sát thấy nhiều em ra ngoài bằng cáng, hoặc phải cõng. Tất cả giữ nguyên quần áo lặn và mặt nạ đưa lên xe cứu thương.
Trực thăng đỗ sẵn tại bãi đáp, đưa các em đến bệnh viện một cách nhanh nhất. Điều này có thể khiến một số người nghi ngờ các em được cho dùng thuốc mê. Theo mô tả về kế hoạch giải cứu, khi ở trong hang mỗi em phải tự lặn và đi bộ với 2 thợ lặn đi kèm.
Việc nhà chức trách Thái Lan giữ kín thông tin với báo chí, không cho các cậu bé gặp gia đình ngay, cũng là một vài dấu hiệu khiến nhiều người có mặt tại hiện trường nghi ngờ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan bác bỏ chuyện đánh thuốc mê các cầu thủ nhí.
"Ai mà đưa cái thứ quỷ đó cho một đứa trẻ chứ?", Thủ tướng Prayuth Chan-ocha bức xúc khi được hỏi về chuyện này.
Ông Prayuth khẳng định, các em được cho sử dụng thuốc chống lo âu nhằm hạn chế tối đa nguy cơ trong quá trình di chuyển ra khỏi hang. Thủ tướng Thái Lan khẳng định đó là thuốc chống lo âu chứ không phải thuốc mê như lời đồn.
Ông Prayuth nói thuốc chống lo âu mà các cậu bé sử dụng chính là loại mình vẫn dùng để thư giãn khi tập bắn súng, và nó có thể giúp giữ cho các em không bị lo sợ hay hoảng loạn quá mức.
Các chuyên gia y tế và chuyên gia về hang động từng cảnh báo địa hình phức tạp, nhiều nơi ngập nước và chật hẹp có thể khiến các em nhỏ hoảng loạn và dẫn đến bi kịch trong quá trình thoát ra ngoài.
Giới chức Thái Lan cũng khẳng định, trong thành phần đội cứu hộ có nhiều thợ lặn và bác sĩ nước ngoài, nên có thể yên tâm rằng các em được đảm bảo những điều tốt nhất về sức khỏe, và thông tin dùng thuốc mê nếu có sẽ không thể giữ kín.
Việc không cần đến thuốc gây mê có lẽ là vì giới chức Thái Lan cảm thấy không cần thiết, theo các chuyên gia.
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)