Theo phóng viên TTXVN tại Italy, với 277 phiếu thuận, 173 phiếu chống và 4 phiếu trắng, Hạ viện nước này đã thông qua dự luật cải cách giáo dục gây tranh cãi nhưng xô xát đã xảy ra giữa một số nghị sỹ.
Một vụ ẩu đả của các hạ nghị sỹ Italy hồi năm 2012. (Ảnh: apnikushi.blogspot.com) |
Theo đạo luật có biệt danh "Buona scuola" (Ngôi trường tốt) này, Italy sẽ ký hợp đồng dài hạn với 100.000 giáo viên để chấm dứt tình trạng giáo viên làm việc theo hợp đồng thời vụ. Các giáo viên cũng sẽ được tăng lương theo thâm niên và thành tích dựa theo đề đạt của các hiệu trưởng.
Chính phủ sẽ cấp 200 triệu euro từ nay cho đến năm 2016 để ngành giáo dục tăng lương cho giáo viên. Ngoài ra, mỗi giáo viên cũng sẽ được chi 500 euro mỗi năm cho các hoạt động văn hóa của mình. Đạo luật cũng hướng tới việc gia tăng giờ học các môn liên quan đến âm nhạc, ngoại ngữ và hoạt động thể chất.
Tuy nhiên, dư luận Italy, đặc biệt là giới sinh viên không đồng ý với nhiều điểm của đề xuất cải cách này, lo ngại rằng, cải cách sẽ không được thực hiện một cách rốt ráo và sẽ chỉ tạo điều kiện cho tư nhân kiếm lợi.
Kể từ khi mới công bố văn bản sơ thảo, dự luật đã bị nhiều giới và đảng phái chính trị Italy chỉ trích nặng nề, cho rằng luật sẽ tạo điều kiện cho tệ nạn "con ông cháu cha" nảy nở nếu như để cho hiệu trưởng có thêm nhiều quyền hành. Một số ý kiến khác cho rằng, luật cải cách giáo dục sẽ chỉ có lợi cho các trường tư và tạo điều kiện cho các công ty tư nhân đầu tư vào khu vực giáo dục.
Hàng loạt các cuộc biểu tình và bãi khóa của học sinh, sinh viên và giáo viên đã diễn ra trên cả nước Italy trong nhiều tháng qua. Hiệp hội sinh viên và Hiệp hội giáo viên toàn quốc Italy đã nhiều lần lên tiếng chống lại việc các trường học sẽ được "điều hành như những công ty," "tư hữu hóa" và "phi dân chủ."
Các nghiệp đoàn lao động lớn nhất Italy cũng chống lại dự luật, khẳng định rằng dự luật "không bảo vệ được quyền lợi" của các giáo viên làm việc bán thời gian, đồng thời chống lại việc Bộ giáo dục sẽ cho phép học sinh và các gia đình của họ đánh giá năng lực của giáo viên.
Áp lực của dư luận đã buộc Thủ tướng Matteo Renzi chấp thuận thay đổi một số nội dung trong văn bản dự luật, do lo ngại uy tín của chính phủ có thể bị giảm sút.
Việc đảng Dân chủ (PD) cầm quyền và chính phủ thúc đẩy dự luật được thông qua cũng gây chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ của PD, khi một nhóm gồm 5 nghị sỹ của đảng này đã bỏ phiếu chống, 39 nghị sỹ khác không tham gia bỏ phiếu.
Một số cuộc xô xát giữa các nghị sỹ đối lập và các nghị sỹ đảng Pd đã xảy ra ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố. Đáp lại sự chống đối, Bộ trưởng Giáo dục Italy Stefania Giannini khẳng định rằng, đây mới chỉ là sự khởi đầu cho hàng loạt cải cách trong giáo dục. "Chúng tôi đã đầu tư 4 tỷ euro ngân sách vào hệ thống trường công, và chúng tôi đã thiết lập chế độ tự chủ có trách nhiệm của các trường học," bà Stefania nói.
Theo báo chí Italy, đây là đạo luật về cải cách được thông qua ở Hạ viện với ít sự tham gia của các nghị sỹ nhất và gây nhiều tranh cãi nhất, đồng thời có thể tiếp tục tạo ra những căng thẳng trong chính trường Italy trong thời gian tới.
Các đảng phái đối lập tuyên bố họ sẽ tiếp tục chống đối đến cùng. Trong khi đó, các hiệp hội sinh viên Italy khẳng định Italy sẽ có một mùa thu "nóng bỏng" với hàng loạt các hoạt động nhằm chống đối gói cải cách này.
Một cuộc thăm dò của Viện nghiên cứu dư luận Demopolis công bố cuối tháng Sáu cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Renzi đã giảm xuống còn 39%, thấp nhất kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 2/2014, trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Italy.
Số người ủng hộ PD trong tháng Sáu chỉ còn 32,2%, giảm 4% so với tháng 3/2015 và 13% so với cùng kì năm ngoái. Tỷ lệ cử tri ủng hộ PD chỉ còn hơn đảng M5S đứng sau 6%, khoảng cách ngắn nhất kể từ khi chính phủ mới được thành lập 18 tháng trước.
Theo Trương Anh Ngọc (Vietnam+)