Vụ ẩu đả của các nghị sĩ và cảnh sát, bảo vệ trong tòa nhà Quốc hội đã khiến người dân Nam Phi rất tức giận.
Tình trạng “Hỗn loạn Quốc gia” là những gì mà một tờ báo Nam Phi mô tả hình ảnh cảnh sát và các nghị sĩ lao vào nhau đấm đá kịch liệt ngay trong phiên khai mạc của Quốc hội Nam Phi năm 2015 hôm qua (13/2).
Ngay sau khi Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma bắt đầu bài Diễn văn Quốc gia của mình trước Quốc hội ở Cape Town vào tối hôm qua, các nghị sĩ đảng cực tả Chiến binh Tự do Kinh tế (EFF) đột ngột ngắt lời ông và đặt câu hỏi về những cáo buộc tham nhũng cho khoản ngân sách 23 triệu USD nhằm tăng cường an ninh cho quê nhà Tổng thống ở Nkandla.
|
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đọc bài Diễn văn Quốc gia trước Quốc hội
|
Chủ tịch Quốc hội Baleka Mbete đã nổi giận yêu cầu các nghị sĩ EFF và lãnh đạo đảng Julius Malema ngừng đặt câu hỏi. Khi các nghị sĩ này từ chối, bà Mbete đã ra lệnh cho cảnh sát và bảo vệ dùng vũ lực đuổi họ ra ngoài nghị trường.
Khi nhìn thấy bảo vệ và cảnh sát có vũ trang tiến vào nghị trường, các nghị sĩ EFF đã chống cự, dẫn đến cảnh ẩu đả đầy hỗn loạn giữa họ và cảnh sát, khiến nhiều nghị sĩ bị thương. Phe Liên minh Dân chủ đối lập cũng lập tức đứng dậy bỏ ra khỏi nghị trường.
Người dân Nam Phi đã tỏ ra rất giận dữ khi chứng kiến cảnh bạo lực nổ ra ngay trong nghị trường Quốc hội.Nhà báo Ranjeni Munusamy đã viết trên tờ báo chính trị hàng đầu Daily Maverick: “Hình ảnh Nam Phi đã vĩnh viễn bị hủy hoại bởi những người mà chúng ta đã xếp hàng để bỏ phiếu bầu”.
|
Các nghị sĩ EFF (áo đỏ) lao vào ẩu đả với lực lượng an ninh |
Vụ ẩu đả trên nhiều khả năng sẽ gây thêm sức ép đối với Tổng thống Zuma, người đã vướng vào nhiều vụ bê bối trong suốt sự nghiệp của mình.
Hồi năm ngoái, quan chức Cơ quan Bảo vệ Công sản Nam Phi Thuli Madonsela đã báo cáo rằng Tổng thống Zuma “được hưởng lợi” từ các dự án nâng cấp an ninh cho tư dinh của mình, trong đó có một hồ bơi, một khu chăn thả gia súc và một trường đua ngựa, đồng thời cho rằng ông Zuma cần phải trả lại các chi phí xây dựng những công trình trên.
Tuy nhiên, Tổng thống Zuma tuyên bố mình không hề làm điều gì sai trái và kiên quyết không trả tiền theo đề nghị của Cơ quan Bảo vệ Công sản.
Lãnh đạo đảng EFF đã tập trung đánh mạnh vào vụ bê bối này kể từ khi họ giành được 25 ghế trong Quốc hội từ tháng Năm năm ngoái.
Nhà phân tích chính trị Prince Mashele nhận định: “AFF đang gây sức ép rất lớn cho ông Zuma. Tuy nhiên sẽ không ai được lợi trong cuộc đấu này, và tất cả những gì người ta nhìn thấy chỉ là một mớ bê bối và hỗn độn”.
Theo Trí Dũng (Dân Việt)