Với người Mỹ, ngày 11/9/2001 vĩnh viễn là một vết thương không thể xóa nhòa. Một ngày đen tối nhất lịch sử quốc gia, khi tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới đổ sập sau khi bị 2 chiếc máy bay chở khách đâm vào.
Đến nay, nó vẫn được xem là ngày chết chóc nhất của Mỹ, và cũng là đợt tấn công khủng bố chết nhiều người nhất lịch sử loài người - 2977 nạn nhân đã tử vong.
Nhưng mới đây, trước sự tấn công quá mạnh của đại dịch Covid-19, Mỹ đã trải qua một cột mốc đau thương hơn thế. Ngày 9/12, tổng cộng đã có hơn 3000 người tử vong vì căn bệnh này, theo số liệu của ĐH Johns Hopkins.
Như thể ngày nào cũng là 11/9 vậy
Trong khi virus corona khó mà so sánh với sự chết chóc của một vụ khủng bố, thì nỗi sợ vô hình nó tạo ra lại chẳng khác gì cả. Như gia đình Naeha Quasba, họ nằm trong số hàng triệu người cuộc sống thay đổi vĩnh viễn vì đại dịch - thứ đã khiến gần 300.000 người Mỹ tử vong.
"Bố tôi đã bị cách ly suốt thời gian ấy, chúng tôi còn chẳng được nhìn thấy ông. Đến tận giờ phút này, tôi vẫn vật lộn với mớ cảm xúc này," - bà Quasba chia sẻ. "Những đoạn video trò chuyện cùng bố là rất ngắn, rồi cuối cùng ngưng lại khi ông trở nên quá yếu."
"Bố tôi gần như mất đi mọi hy vọng. Ông chẳng buồn trả lời điện thoại nữa."
Thế rồi trong tháng 9, bố của Quasba đã ra đi mãi mãi sau 40 ngày trên giường bệnh. Quá nửa thời gian ông phải nằm trong máy thở, và 6 ngày trong tình trạng mất ý thức.
"Nó giống như ngày nào cũng là 11/9 vậy," - Quasba trầm ngâm.
"Thực sự đau lòng khi nghĩ đến số người đã ra đi vào ngày 11/9, và thảm kịch ấy lại xảy ra mỗi ngày trong đại dịch lần này. 10 tháng qua đều như vậy."
Ngày càng nhiều người nhiễm, số ca tử vong cũng tăng lên
Những tháng qua, Mỹ liên tục ghi nhận kỷ lục đáng sợ. Ngày 5/12, có tới 227.885 người đã nhiễm virus. Số người nhập viện vượt quá 106.000, cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ đầu đại dịch. Theo dự báo, số người tử vong có thể lên đến 450.000 vào đầu năm 2021, đặc biệt ở thời điểm sau Lễ Tạ ơn và Giáng sinh.
Jeffrey Gold - giám đốc Trung tâm Y tế Nebraska cho biết: "Tất cả mọi người đều lo sợ, cả bản thân tôi cũng vậy. Chúng ta phải nín thở chờ đợi xem tác động sẽ ra sao trong thời gian tới." Tại Nebraska - nơi Bác sĩ Gold sinh sống, tỉ lệ lây nhiễm cao gấp đôi so với mức trung bình cả nước.
Dẫu vậy, ánh sáng phía cuối đường hầm dần lộ ra, với sự xuất hiện của vaccine. Những tuần qua, việc sản xuất vaccine tại Mỹ đã có những bước tiến đáng kể, trong đó đặc biệt là vaccine của Pfizer và Moderna với hiệu quả phòng bệnh lên tới 95%.
"Mong rằng nó (vaccine) sẽ mang lại chút động lực và năng lượng cho mọi người," - Gold chia sẻ thêm. "Cả thế giới trông vào điều đó."
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)