Bộ Quốc phòng Nga đã gửi các bằng chứng cụ thể tới Liên Hợp Quốc để chứng minh rằng tên lửa do Triều Tiên phóng đi ngày 4/7 và tuyên bố là tên lửa đạn đạo liên lục địa thực chất chỉ là tên lửa tầm trung, Sputnik đưa tin ngày 9/7.
Theo Sputnik, phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cho biết, Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã gửi một tài liệu cùng một bản minh họa dưới dạng biểu đồ tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Chủ tịch Hội đồng Bảo an để chứng minh rằng tên lửa do Triều Tiên phóng đi ngày 4/7 thực chất không phải tên lửa đạn đạo liên lục địa như nước này tuyên bố.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trạm radar Voronezh được triển khai tại vùng Irkutsk đã theo dõi vụ phóng tên lửa tầm trung Hwasong-14 sau khi nó được phóng đi từ lãnh thổ Triều Tiên hồi đầu tuần. Phía Nga kết luận rằng tên lửa này đã được phóng trong khoảng thời gian 14 phút, bay xa khoảng 510 km với độ cao 534 km trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản.
Thông tin này hoàn toàn khác so với tuyên bố trước đó của hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) rằng, tên lửa liên lục địa Hwasong-14 của nước này đã bay được 933 km, đạt độ cao 2.802 km trong khoảng thời gian 39 phút trước khi đánh trúng mục tiêu giả định trên vùng biển Nhật Bản.
Ngay sau khi diễn ra vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Mỹ đã soạn thảo một tuyên bố trình lên Hội đồng Bảo an, trong đó lên án hành động của Bình Nhưỡng và khẳng định tên lửa này là tên lửa đạn đạo liên lục địa. Phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc đã phản đối tuyên bố này, cho rằng đây không phải là tên lửa đạn đạo liên lục địa và đề nghị Mỹ điều chỉnh lại tuyên bố.
Trong cuộc họp khẩn cấp tại Hội đồng Bảo an hôm 5/7, tức một ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Mỹ, Pháp và Anh đã kêu gọi thực thi một nghị quyết trừng phạt mới để răn đe hành động của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vladimir Safronkov cho biết Moscow phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm kìm hãm Triều Tiên thông qua các lệnh trừng phạt về kinh tế, vì hàng triệu người dân Triều Tiên hiện vẫn đang cần các khoản viện trợ nhân đạo.
Theo Thành Đạt (Dân Trí)