Sau tiêm kích Su-30SM, Nga tiếp tục trang bị tên lửa đối hạm Kh-35U cho cường kích Su-34- một quyết định mang nhiều dụng ý của Nga khiến phương Tây bất an.
Đoạn video được phát bằng tiếng Ả Rập trên kênh truyền hình RT của Nga hôm 11/2 cho thấy, ít nhất một chiếc Su-34 mang theo hai tên lửa chống hạm Kh-35U ở cả hai bên cánh trong một đợt xuất kích.
Cường kích Su-34 mang theo tên lửa Kh-35U. |
Việc Nga trang bị tên lửa chống hạm trên Su-34 còn khá bất thường khi các mục tiêu IS ở Syria hoàn toàn nằm trong vùng nội địa và lực lượng này cũng không sử dụng tàu chiến.
Tuy nhiên, có thể thấy, ngoài lực lượng Không quân Vũ trụ đóng tại sân bay Hmeymim, Nga còn đưa tàu chiến, trong đó nổi bật nhất là tuần dương hạm Varyag đến ngoài khơi Syria để bảo vệ các hoạt động của nước này trước cả mối đe dọa từ trên không và trên biển.
Việc Su-34 mang tên lửa chống hạm Kh-35U có thể là cách thức răn đe bất kỳ mối đe dọa từ tàu chiến nào đến các hoạt động của Nga ở Syria và nhất là với Thổ Nhĩ Kỳ (quốc gia bắn rơi Su-24 của Nga).
Sau sự kiện chiếc Su-24 bị bắn rơi, Moscow từng không ít lần cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ cố tình khiêu khích các tàu chiến của Nga, thậm chí chiến hạm Nga đã bắn cảnh cáo tàu cá của Thổ Nhĩ Kỳ khi chúng hoạt động bất thường vào hôm 13/12/2015.
Ngoài việc Su-34 bất ngờ mang tên lửa chống hạm được coi là động thái khá bất ngờ của Nga, tuy nhiên trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự tại Syria, Moscow cũng đã có quyết định khiến phương Tây choáng khi điều tiêm kích đánh chặn cực mạnh Su-30SM tham gia chiến dịch quân sự này.
Tiêm kích Su-30SM tại Syria. |
"Su-30SM được tăng cường khả năng chiến đấu, có thể phát hiện và tiêu diệt đồng thời nhiều mục tiêu khác nhau, điều mà ở những máy bay chiến đấu thế hệ trước không có được", Tướng Kharchevsky nói.
Su-30SM được trang bị 2 động cơ điều khiển luồng khí phụt đa chiều cùng 2 cánh vịt ở phía trước, tạo cho máy bay khả năng siêu cơ động ở tốc độ thấp - điều được cho là rất cần thiết trong các cuộc không chiến hiện đại.
Trên thực tế, Su-30SM được phát triển từ dòng chiến đấu cơ hai người ngồi Su-30MKI cho Không quân Ấn Độ, máy bay được lắp đặt radar cải tiến, hệ thống truyền thông và hệ thống nhận dạng bạn-thù, ghế phóng mới cùng hàng loạt vũ khí tối tân.
Cho tới nay, Không quân Nga chỉ có Su-35 (Su T-50 đang thử nghiệm và chưa biên chế) có khả năng tác chiến đạt được cấp độ nhỉnh hơn Su-30SM đôi chút.
Do vậy, tính tới thời điểm này, cùng với Su-35, tiêm kích Su-30SM là chiến đấu cơ đa năng, siêu cơ động tối tân nhất trong đội hình chiến đấu của Không quân Nga. Vì vậy, việc triển khai dòng tiêm kích này đến Syria của Nga không đơn thuần chỉ là chống IS, tạp chí Business Insider kết luận.
Theo Chúc Sơn (Đất Việt)