Tờ Izvestia dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nếu chế tạo và tích hợp thành công, hệ thống mới sẽ cho phép các tổ hợp tên lửa phòng không ứng phó nhanh chóng với mọi tình huống tác chiến thay đổi bất ngờ, bỏ qua giai đoạn phân tích ở điểm chỉ huy.
Hiện nay, mỗi tên lửa phòng không và trạm radar đều đã có hệ thống điều khiển riêng nên thích hợp cho việc ứng phó với các loại máy bay tốc độ cao và mật độ không kích dày đặc.
Với hệ thống điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo, thời gian đưa ra quyết định về phương pháp tấn công mục tiêu sẽ rút ngắn và trở nên hợp lý nhất có thể.
Hệ thống trí tuệ nhân tạo cũng có khả năng kết hợp các hệ thống phòng không với nhau nhằm tạo ra một mạng lưới chặt chẽ nhằm ứng phó với kẻ địch.
Ví dụ, hệ thống S-400, chuyên sử dụng cho bắn hạ mục tiêu ở độ cao lớn và tầm xa, có thể hoạt động nhịp nhàng ăn khớp với tổ hợp phòng không Pantsir-S, vốn thích hợp cho phòng thủ tầm gần. Sự kết hợp này đảm bảo hiệu quả trong việc bắn hạ các mục tiêu máy bay, tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái cỡ nhỏ và hàng loạt đạn pháo của đối phương.
Theo Đặng Vũ (An Ninh Thủ Đô)