“Thượng tướng Mikhail Mizintsev đã được đề bạt vào chức vụ Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách hậu cần. Ông Mizintsev trước đó từng đảm nhiệm vị trí người đứng đầu Trung tâm kiểm soát quốc phòng Nga. Tướng Dmitry Bulgakov, người từng phụ trách hậu cần quân đội, đã bị miễn nhiệm và được chuyển sang vị trí khác”, hãng tin TASS dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga, viết.
Trang thông tấn RT cho biết, lý do khiến ông Mizintsev được bổ nhiệm vào chức vụ Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách hậu cần quân đội Nga có thể là bởi vị tướng này từng chỉ huy việc cung cấp viện trợ nhân đạo trong chiến dịch quân sự chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria trong một thời gian dài.
Ngoài ra, Thượng tướng Mikhail Mizintsev cũng là người chỉ huy quân đội Nga tiến hành bao vây thành phố Mariupol của Ukraine trong khoảng thời gian từ khi chiến sự nổ ra cho tới cuối tháng Năm, và tổ chức các cuộc sơ tán người dân khỏi những khu vực xảy ra chiến sự.
Theo RT, việc Bộ Quốc phòng Nga thay người đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách hậu cần được thực hiện chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh động viên một phần quân dự bị.
Người dân Ukraine nêu cảm nghĩ về mối đe dọa hạt nhân
“Tôi không tin về việc sẽ có các cuộc tấn công hạt nhân bởi động thái đó sẽ không mang lại ưu thế chiến thuật cho các lực lượng vũ trang Nga. Ngay cả khi điều đó xảy ra, thì sẽ không có những tác động lớn”, anh Dimko Zhluktenko, một nhân viên cứu hộ sinh sống ở thành phố Lviv, Ukraine nói với hãng tin The Guardian hôm 24/9.
“Trong trường hợp họ thực hiện một vụ tấn công hạt nhân chiến thuật, thì nó sẽ không mang lại bất kỳ lợi thế chiến lược nào cho quân đội Nga. Bởi họ sẽ không thể tiến lên và kiểm soát thêm được những vùng đất mới. Đồng thời, Nga sẽ có thể đối mặt với sự cô lập tới từ nhiều quốc gia khác”, anh Zhluktenko nói thêm.
Ở một diễn biến khác, Lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cùng ngày nhận định rằng giới lãnh đạo Nga có thể sẽ ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp quân đội nước này bị “dồn vào chân tường”. “Cuộc xung đột ở Ukraine đã tiến tới thời điểm nguy hiểm vì quân đội Nga đã bị đẩy vào chân tường, và cách phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc nói rằng sẽ dùng vũ khí hạt nhân là vô cùng tồi tệ”, trang tin Politico dẫn lời ông Borrell nói.
NATO lên tiếng về các cuộc trưng cầu dân ý ở Ukraine
Hãng tin CNN dẫn lời Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, các cuộc trưng cầu dân ý được Nga tổ chức ở các tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia, Kherson thuộc miền đông và miền nam Ukraine “không có pháp lý, và tất nhiên sẽ chẳng thể thay đổi được điều gì”.
“Nga sẽ sử dụng các cuộc trưng cầu dân ý đó để gia tăng hơn nữa tình hình chiến sự. Do vậy câu trả lời của chúng tôi, tức NATO, sẽ là tăng cường sự hỗ trợ cho Ukraine. Phương thức tốt nhất để kết thúc cuộc xung đột này là tăng cường hơn nữa sức mạnh của Ukraine trên chiến trường, để ở một giai đoạn nào đó giới chức Kiev có thể ngồi vào bàn đàm phán và đạt được một giải pháp mà có thể chấp nhận được, cũng như giữ cho Ukraine là một quốc gia có chủ quyền và độc lập ở châu Âu”, ông Stoltenberg nói.
CNN nhận định, những tuyên bố của Tổng Thư ký NATO được đưa ra trong bối cảnh các cuộc trưng cầu dân ý về việc sát nhập vào Nga đang diễn ra ở các tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia, Kherson thuộc miền đông và miền nam Ukraine.
Theo Tuấn Trần (VietNamNet)