Lý do là vì tiền mà Nga dùng để thanh toán nợ được lấy từ tài sản ngoại tệ bị phong toả từ sau chiến dịch quân sự ở Ukraine, vì thế không rõ các nhà đầu tư có nhận được tiền hay không.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov vừa nói với đài RT rằng nước này đã thực hiện nghĩa vụ với các chủ nợ, nhưng “khả năng thực hiện nghĩa vụ bằng ngoại tệ không phụ thuộc vào chúng ta”, RT dẫn lời ông Siluanov. Ông cảnh báo rằng các khoản tiền có thể không được chuyển đi nếu Mỹ không đồng ý.
“Chúng ta có tiền, chúng ta đã thanh toán, giờ bóng đang ở trên sân của Mỹ”, ông Siluanov nói.
Hai khoản nợ trái phiếu đã đáo hạn mà Nga phải thanh toán bằng đồng đô la Mỹ là phép thử đầu tiên đối với khả năng trả nợ của Nga trong khi kinh tế nước này đang hứng hàng loạt lệnh trừng phạt.
Nếu Mỹ chặn không cho thanh toán, Nga có thể thử thanh toán bằng đồng rúp, nhưng điều đó sẽ được coi là vỡ nợ, Fitch Ratings khẳng định ngày 16/3.
Điều đó cho thấy tình thế khó khăn mà Nga đang đối mặt. Nước này có tiền để trả nợ, nhưng không thể tiếp cận khoảng một nửa số tiền đó sau khi bị phương Tây áp lệnh trừng phạt lên khoản dự trữ ngoại hối 315 tỷ USD, ông Siluanov cho biết.
Các nhà đầu tư phương Tây không thiệt hại nhiều nếu Nga vỡ nợ. Các lệnh trừng phạt được áp sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 khiến giới đầu tư phương Tây không mặn mà với trái phiếu Nga. Tuy nhiên, các ngân hàng quốc tế đang là chủ nợ của khoảng 121 tỷ USD.
Lỡ hạn thanh toán sẽ là một tin xấu với Nga, vì sau đó nước này sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bằng đồng nội tệ đang có giá trị rất thấp, không được tiếp cận các khoản tài chính từ nước ngoài.
Nga sẽ sớm phải trả thêm những khoản khác. Một khoản 2 tỷ USD dự kiến đáo hạn vào đầu tháng 4 sẽ trở thành cơn đau đầu lớn hơn với Mátxcơva.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)